PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP MAI THỊ PHƯƠNG HOA: ĐỀ XUẤT 06 NỘI DUNG NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VBQPPL

29/12/2022

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa đã đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát VBQPPL thời gian tới, trong đó nhấn mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát VBQPPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC GIÁM SÁT LÀ KHÂU TRỌNG TÂM, THEN CHỐT TRONG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI TRONG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Giám sát chuyên đề VBQPPL

Báo cáo “hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Tư pháp - Thực trạng và phương hướng” tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, Uỷ ban Tư pháp luôn xác định giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực tư pháp và phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi vì VBQPPL trong lĩnh vực này có tính đặc thù là trực tiếp liên quan đến quyền cơ bản của con người, quyền công dân, tác động đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây, cùng với các hình thức giám sát khác, hoạt động giám sát VBQPPL luôn được Uỷ ban Tư pháp quan tâm triển khai thực hiện, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Ủy ban Tư pháp chủ động đưa hoạt động giám sát VBQPPL vào chương trình công tác hằng năm và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, Ủy ban đã tiến hành giám sát VBQPPL thuộc lĩnh vực phụ trách và có Báo cáo kết quả giám sát. Nhiều văn bản quy định chi tiết do các cơ quan có thẩm quyền ban hành chưa đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thời hạn ban hành  và ngày có hiệu lực của văn bản, văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành, đặc biệt đã phát hiện một số văn bản chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH mới được ban hành. Qua giám sát, Uỷ ban Tư pháp đã có một số kiến nghị, cụ thể như:

- Kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung 07 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017); ban hành văn bản quy định chi tiết về kiểm soát tài sản thu nhập và sửa đổi, bổ sung 01 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; kiến nghị ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thi hành án hình sự năm 2019; bãi bỏ 06 nghị định hướng dẫn quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 không còn phù hợp; bãi bỏ hoặc thay thế 14/22 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 không còn phù hợp.

- Kiến nghị VKSNDTC và TANDTC ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; hủy bỏ, thay thế các Thông tư liên tịch đã hết hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, Ủy ban Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó tập trung giám sát các VBQPPL đã có hiệu lực thi hành từ Kỳ họp thứ 9 đến Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV thuộc lĩnh vực tư pháp.

Trong quá trình giám sát, Thường trực Uỷ ban Tư pháp luôn trao đổi với các cơ quan chịu sự giám sát để làm rõ nội dung vấn đề giám sát, lắng nghe ý kiến giải trình và chủ động kiến nghị các giải pháp khắc phục theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi.

Trên cơ sở kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC đã tiếp thu và tích cực triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Uỷ ban Tư pháp và thu được những kết quả tích cực; trong đó đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết trong lĩnh vực tư pháp. Qua đó, hoạt động giám sát VBQPPL đã góp phần quan trọng thúc đẩy công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp, đáp ứng yêu cầu thi hành và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh, năm 2022, Uỷ ban Tư pháp tiếp tục tăng cường giám sát VBQPPL, đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, Uỷ ban Tư pháp đã ban hành Kế hoạch giám sát VBQPPL số 1352/KH-UBTP15 ngày 31/10/2022, đồng thời yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo công tác xây dựng và ban hành VBQPPL và phân công các Tiểu ban triển khai việc rà soát, đánh giá các VBQPPL thuộc lĩnh vực phụ trách. Dự kiến sẽ có báo cáo kết quả giám sát gửi UBTVQH vào tháng 3/2023.

Giám sát VBQPPL thông qua lồng ghép trong các hình thức giám sát khác

Quang cảnh Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH về giám sát văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh việc giám sát chuyên đề nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu rõ, việc giám sát VBQPPL còn được thực hiện thông qua lồng ghép trong các hình thức giám sát khác như: giám sát chuyên đề phòng, chống tham nhũng, tổ chức phiên giải trình tại Uỷ ban Tư pháp, hoạt động khảo sát.

Theo đó, hàng năm Uỷ ban Tư pháp tiến hành thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng; báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC trình Quốc hội. Qua thẩm tra, cùng với việc đánh giá công tác tổ chức thi hành pháp luật, Uỷ ban Tư pháp còn chú trọng xem xét, đánh giá công tác hoàn thiện thể chế, ban hành VBQPPL của các cơ quan trung ương trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và phòng chống tham nhũng; qua đó phân tích, đánh giá đã chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý của các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đồng thời đã kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan hữu quan.

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp còn chú trọng đến việc đánh giá công tác ban hành VBQPPL trong lĩnh vực được giám sát, khảo sát, giải trình; chỉ ra những bất cập, hạn chế và kiến nghị các cơ quan hữu quan sớm sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành mới nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giám sát.

Qua đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa khẳng định, hoạt động giám sát VBQPPL của Uỷ ban Tư pháp trong thời gian qua cơ bản thực hiện đúng theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành VBQPPL với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Việc giám sát VBQPP được thực hiện từ việc xem xét về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản đến nội dung văn bản, tính hợp hiến, hợp pháp, tính kịp thời, thống nhất, khả thị của văn bản.

Quá trình giám sát được thực hiện công phu, tỉ mỉ, thận trọng, xem xét toàn diện, đánh giá khách quan các VBQPPL theo quy định của pháp luật và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, thông qua hoạt động giám sát, Uỷ ban Tự pháp đã phát hiện được một số hạn chế, bất cập trong việc ban hành VBQPPL và kịp thời có kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan có trách nhiệm trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ VBQPPL nhằm bảo đảm triển khai thi hành đầy đủ các luật, pháp lệnh, nghị quyết. Sau giám sát, Ủy ban Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm thực hiện kiến nghị giám sát nhằm góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp, đáp ứng yêu cầu thi hành và bảo vệ pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đã chỉ rõ hoạt động giám sát VBQPPL của Uỷ ban Tư pháp thực tế còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác này, như: (1) Khối lượng VBQPPL cần được giám sát lớn, phức tạp, có tính chuyên môn sâu cao nên việc triển khai thực hiện còn gặp khó khăn nhất định; (2) Một số văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành thuộc lĩnh vực tư pháp, nội chính có nội dung mật nên trong một số trường hợp khó tiếp cận để nghiên cứu và giám sát công khai; (3) Nguồn nhân lực còn thiếu; năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ tham mưu giám sát VBQPPL còn hạn chế, chưa đồng đều, nhất là kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát VBQPPL trong thời gian tới

Từ những phân tích nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đã đề xuất một số phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát VBQPPL trong thời gian tới.

Một là, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát VBQPPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp, đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa và thực thi quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch giám sát VBQPPL năm 2022 và các năm tiếp theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định.

Ba là, tăng cường hoạt động rà soát, đánh giá VBQPPL thuộc lĩnh vực Ủy ban Tư pháp phụ trách, trong đó lưu ý đối với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết; chú trọng tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, thực thi của VBQPPL, đồng thời phát hiện những mâu thuẫn, chông chéo để kịp thời đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, coi đây là cơ sở quan trọng để phản ánh mức độ đi vào cuộc sống của các VBQPPL.

Bốn là, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức giám sát VBQPP, lồng ghép giám sát VBQPPL vào các hoạt động giám sát khác như: giám sát chuyên đề về thi hành pháp luật, phiên giải trình, thẩm tra báo cáo công tác tư pháp, hoạt động khảo sát, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả và thường xuyên, liên tục trong công tác giám sát VBQPPL.

Năm là, tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung kiến nghị qua giám sát VBQPPL nhằm bảo đảm kiến nghị được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Sáu là, để công tác giám sát VBQPPL ngày càng chất lượng, hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị UBTVQH, các Lãnh đạo Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện giám sát VBQPPL, xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cơ quan của Quốc hội; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thuộc đối tượng giám sát cần tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện kiến nghị giám sát VBQPPL và thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL khi trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhằm góp phần bảo đảm việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật./.

Bích Ngọc