THÚC ĐẨY TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIỮA VIỆT NAM – CAMPUCHIA

28/12/2022

Thảo luận tại Hội thảo "trao đổi kinh nghiệm giữa Cơ quan lập pháp hai nước", do Quốc hội Việt Nam và Quốc hội, Thượng viện Campuchia tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng cần hợp tác, thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý lũ lụt và hạn hán, giảm nhẹ thiên tai và quản lý tài nguyên nước giữa Việt Nam – Campuchia.

PHÁT HUY CƠ CHẾ HỢP TÁC SONG PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG QUỐC HỘI ĐIỆN TỬ

CHIA SẺ KINH NGHIỆM CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM TRONG PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, VĂN HÓA, DU LỊCH

Toàn cảnh Hội thảo

Trao đổi kinh nghiệm về chủ đề “Hợp tác sông Mê Kông trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Hội thảo, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết Mê Kông là con sông dài thứ 10 trên thế giới và lớn thứ 12 về tổng lượng dòng chảy hàng năm với 12.500 hệ thống tưới tiêu (đạt khoảng 425 tỷ m3). Lưu vực sông có tính đa dạng sinh học rất cao. Khu vực hạ lưu vực sông là nơi sinh sống của hơn 60 triệu người với trên 100 dân tộc khác nhau, là nơi có tiềm năng rất lớn về thủy điện với tổng năng lượng kỹ thuật khoảng 53.900 MW.

Đối với quản lý, sử dụng nguồn nước, phòng chống thiên tai, Việt Nam, Campuchia và các nước có phần diện tích thuộc lưu vực sông Mê Kông đã có nhiều hợp tác trong lĩnh vực này. Theo đó, Việt Nam, Campuchia và các nước có phần diện tích thuộc lưu vực sông đã có Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững lưu vực sông Mê Kông ký năm 1995 giữa Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Thái Lan; Hiệp định về Quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia; Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 và Hợp tác Mê Kông -Lan Thương.

Uỷ viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn. Trước các dấu hiệu ngày càng rõ và trong xu thế toàn cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, mặc dù không được đề cập trong Hiệp định Mê Kông nhưng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã nhanh chóng lồng ghép lĩnh vực hợp tác quan trọng này vào Chương trình công tác của mình thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia thành viên.

Các kết quả hợp tác trong lĩnh vực quan trọng này đã giúp các quốc gia thành viên lồng ghép tri thức và kinh nghiệm của thế giới, các kết quả nghiên cứu phân tích của Ủy hội về thích ứng biến đổi khí hậu vào các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án có ảnh hưởng xuyên biên giới, các chiến lược và kế hoạch phát triển ở cấp quốc gia, tăng cường hợp tác vùng và quốc tế, giúp tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho Ủy hội. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương về phát triển tiểu vùng sông Mê Công. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề quan trọng để các Bộ, ngành xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, tại Hội thảo, các đại biểu chỉ ra rằng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ. Cụ thể, thiếu quy hoạch xuyên biên giới về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên khu vực lưu vực sông Mê Kông. Việc phối hợp giữa các tỉnh biên giới trong phát triển hệ thống hạ tầng sử dụng nước trên lưu vực sông chưa đồng bộ, các hệ thống của các nước đang phát triển theo các mục tiêu khác nhau. Cùng với đó thiếu sự chia sẻ thông tin liên quốc gia về khí tượng thủy văn, chế độ sử dụng nguồn nước cũng như phối hợp cảnh báo, dự báo lũ lụt xuyên biên giới. Hệ thống chính sách về quản lý nguồn nước, phòng chống thiên tai cũng như nguồn nhân lực, tài chính còn hạn chế. Chưa có sự phối hợp đánh giá tài nguyên nước, công tác đánh giá tài nguyên nước của mỗi quốc gia thiếu sự nhất quán và thiếu sự tin cậy.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Để khắc phục những khó khăn trên, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng cần phối hợp xây dựng quy hoạch chiến lược về quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới nhằm tăng cường chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, chế độ vận hành các hồ chứa nước ở thượng nguồn cũng như phát triển hài hòa hạ tầng thủy lợi ở hạ lưu. Xây dựng các cơ chế phối hợp xuyên biên giới để nâng cao việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và cùng quản lý chung các nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới. Hợp tác, thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý lũ lụt và hạn hán, giảm nhẹ thiên tai và quản lý tài nguyên nước giữa Việt Nam – Campuchia.

Đồng thời hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý tài nguyên nước, phòng chống thiên tai, đảm bảo tài chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai trên lưu vực sông của hai quốc gia. Khắc phục tình trạng thiếu chính xác trong đánh giá tác động và kém hiệu quả trong áp dụng bộ Quy tắc sử dụng nước sông Mê Kông. Nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm xuyên quốc gia phát đi thông báo xả nước từ các đập thủy điện; xây dựng cơ chế chia sẽ dữ liệu tài nguyên - môi trường, đặc biệt là tài nguyên nước, giữa các đơn vị quan trắc của Campuchia và Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long; chia sẽ thông tin nguồn nước sông Mê Kông ở những đoạn chịu sự tác động trực tiếp của các công trình đập thủy điện, cũng như các hoạt động khai thác và sử dụng đáng kể nguồn nước. Thiết lập, thúc đẩy đối thoại chính sách, trao đổi kỹ thuật, ngoại giao nhân dân, tập trung vào việc chia sẻ các bài học quản lý hiệu quả tài nguyên, cũng như các cơ chế quản lý phát triển cộng đồng, ổn định và phát triển xã hội, đặc biệt là đối với nhóm cộng đồng chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Ông San Sarana – thành viên Uỷ ban 3 của Quốc hội Vương quốc Campuchia

Cũng tại Hội thảo, ông San Sarana – thành viên Uỷ ban 3 của Quốc hội Campuchia nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố hợp tác song phương của Việt Nam và Campuchia đối với việc quản lý bền vững, hiệu quả sông Mê Kông để phòng ngừa, quản lý thảm hoạ và thích ứng với biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết. Do đó hai bên cần quản lý sông Mê Kông bằng chiến lược chung; cùng với chiến lược chung, sự gắn kết giữa nước, năng lượng và an ninh lương thực giúp xây dựng, nâng cao khả năng thích ứng đối với biến đổi khí hậu, tạo cơ hội để can thiệp, nâng cao hiệu quả việc sử dụng nước, tiết kiệm kinh phí liên quan đến duy trì cân bằng, cạnh tranh lành mạnh trong việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên. Ngoài ra, cần có sáng kiến quản lý, phát triển nguồn nước xuyên biên giới để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn một cách bền vững, bảo tồn hệ thống sinh thái, du lịch, hành lang văn hoá, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế./.

Minh Thành