CÔNG TÁC QUẢN LÝ KHOA HỌC NGÀY CÀNG ĐƯỢC CHUYÊN MÔN HÓA, ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH

27/12/2022

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 1227/NQ-UBTVQH14 về Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH và Văn phòng Quốc hội. Thông qua việc triển khai Nghị quyết, công tác quản lý khoa học ngày càng được chuyên môn hóa, theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch,..

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 4 HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phiên họp thứ tư Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Danh mục nhiệm vụ khoa học được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm

Báo cáo tại Phiên họp thứ tư, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học cho biết, triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2023, thực hiện quy trình quản lý khoa học được quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định tại Nghị quyết số 1227 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào Định hướng nghiên cứu khoa học thực hiện tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (giai đoạn 2021-2026), Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP) thực hiện quy trình đề xuất nhiệm vụ khoa học, tổ chức họp Hội đồng khoa học của Viện NCLP (mở rộng) để cho ý kiến vào Danh mục 106 đề xuất nhiệm vụ khoa học năm 2023; tổ chức các cuộc họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Sau đó, Viện NCLP đã tổ chức xin ý kiến các thành viên Hội đồng khoa học để cho ý kiến vào Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2023.

Thành viên Hội đồng khoa học đã căn cứ vào các nguyên tắc làm việc được quy định trong Quy chế hoạt động của Hội đồng khoa học, dựa trên những tiêu chí khoa học để nhận xét, đánh giá và xác định từng nhiệm vụ khoa học và công nghệ; xác định tính mới, tính cấp thiết, phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ đều được xem xét, đánh giá về từng tiêu chí như: tên gọi, sự cần thiết, mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu; đặc biệt là tính mới và sự phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách và quy định của Đảng, Nhà nước; Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; chương trình hoạt động hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; chương trình hoạt động hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, thành viên Hôị đồng khoa học còn xem xét, đánh giá tổng thể các nhiệm vụ khoa học để vừa bảo đảm sự hài hòa trên nhiều tiêu chí, vừa có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục một bước tình trạng phân tán, dàn trải; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học…

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Hội đồng khoa học về Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học đã ban hành Kết luận số 04/KL-HĐKH15 của Hội đồng khoa học ngày 18/3/2022 thông qua Danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2023. Theo đó, từ106 đề xuất nhiệm vụ khoa học của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Hội đồng khoa học đã thông qua Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023 gồm 10 nhiệm vụ khoa học cấp bộ và 04 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở, trong đó có 01 nhiệm vụ khoa học cấp bộ đặc biệt để chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam vào năm 2026 là “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Hội đồng khoa học cũng đưa ra các định hướng phân bổ kinh phí bảo đảm nguyên tắc đầu tư hợp lý, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch HĐKH, Viện trưởng Viện NCLP đã ban Quyết định số 19/QĐ-VNCLP ngày 18/3/2022 về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học cấp bộ, cấp cơ sở thực hiện từ năm 2023.

Đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch

TS. Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, với nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học, Viện NCLP đã thực hiện đúng quy trình quản lý khoa học từ khâu nhận đề xuất, xác định Danh mục nhiệm vụ, lập Hội đồng tư vấn tuyển chọn và Tổ thẩm định kinh phí để lựa chọn các nhiệm vụ đủ điều kiện, đạt yêu cầu.

Viện Nghiên cứu lập pháp đã ban hành các Quyết định phê duyệt đối với từng nhiệm vụ khoa học năm 2023, bao gồm 06 nhiệm vụ khoa học cấp bộ và 01 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện, Viện Nghiên cứu lập pháp thường xuyên báo cáo đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Việc phê duyệt các nhiệm vụ khoa học năm 2023 bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật (trước ngày 30 tháng 06 năm 2022).

Đây là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 1227/NQ-UBTVQH14 ngày 23/02/2021 ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, công tác quản lý khoa học ngày càng được chuyên môn hóa, theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất từ việc xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ khoa học, tổ chức tuyển chọn nhiệm vụ, thẩm định nội dung các nhiệm vụ khoa học bố trí kinh phí, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, đánh giá giữa kỳ và nghiệm thu kết quả nhiệm vụ. Căn cứ tổng số kinh phí được giao, việc phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ khoa học và công nghệ luôn bảo đảm khách quan, đúng quy định, bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách ...

 Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có các chính sách quản lý chủ động, có kế hoạch, tư vấn và có phương hướng giải quyết kịp thời đối với những nhiệm vụ gặp khó khăn, rủi ro trong quá trình thực hiện. Từ đó, các hoạt động nghiên cứu được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách so với những năm trước đây. Sản phẩm của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ngày càng có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra. Nhiều kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học được biên tập thành chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ tới Lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Trong năm 2022, việc xây dựng Danh mục nhiệm vụ khoa học được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hơn vào những vấn đề đang đặt ra về tính lý luận và thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế. Căn cứ kết luận của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2022, Viện NCLP phê duyệt cho 06 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ và 01 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Để triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2024, tháng 11 năm 2022, Viện NCLP đã gửi Công văn đến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về việc đề xuất nhiệm vụ khoa học giai đoạn 2024-2025.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, đánh giá giữa kỳ các nhiệm vụ khoa học được chú trọng thực hiện thường xuyên. Đây là khâu đóng vai trò quan trọng trong quy trình quản lý khoa học. Tháng 8 năm 2022, Viện NCLP tiến hành thực hiện việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ đối với các nhiệm vụ khoa học. Công tác kiểm tra, đánh giá tập trung vào nội dung, tiến độ thực hiện các công việc theo thuyết minh đã được phê duyệt và việc sử dụng kinh phí của các nhiệm vụ cũng như việc giúp Ban chủ nhiệm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Đối với công tác nghiệm thu, thanh lý kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học, trong năm 2022, Viện NCLP đã tổ chức triển khai được 28 Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu; phê duyệt gia hạn thời gian nghiên cứu cho 13 nhiệm vụ; ban hành quyết định thay đổi thành viên nghiên cứu cho cho 08 nhiệm vụ; thực hiện thủ tục xác nhận, cấp giấy chứng nhận tham gia nghiên cứu khoa học cho các thành viên của 05 nhiệm vụ./.

Lê Anh