PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN, KINH TẾ NÔNG NGHIỆP NHƯ MỘT LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA VIỆT NAM

22/12/2022

Cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xây dựng quan điểm tiếp cận hướng biển, sông ngòi và tiếp cận lục địa, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia nêu rõ tư duy hướng biển cần được đặt ra rõ ràng, cụ thể; kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp cần được phát triển như một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

ỦY BAN KINH TẾ TỌA ĐÀM THAM VẤN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050

Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Từ bối cảnh quốc tế và kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Đại hội lần thứ XIII cũng chỉ rõ 3 chiến lược mang tính đột phá để phát triển đất nước gồm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Để thực hiện thành công chiến lược phát triển tổng thể của đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng còn đặt ra yêu cầu “phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc … Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam”.

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Uỷ ban Kinh tế tổ chức mới đây, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia đồng bộ phải được hiểu là sự đồng bộ giữa kinh tế - chính trị - văn hoá. Đặc biệt, văn hoá và con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển. Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm phục vụ chiến lược phát triển tổng thể đất nước. Do đó phải thống nhất được nhận thức về bản chất và nội hàm của khái niệm phát triển.

Ảnh minh hoạ

PGS.TS Đặng Văn Bài nhận thấy, Quy hoạch tổng thế quốc gia tiếp cận theo quan điểm tổng hợp, hệ thống, liên ngành và đa ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá về kinh tế và quốc tế hoá về văn hoá là hoàn toàn đúng đắn. Quan trọng nhất, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định rõ và cụ thể hoá Mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất, tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững nhằm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Có thể coi đây là cơ sở pháp lý và khoa học để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như tạo căn cứ cho việc xây dựng các chương trình mục tiêu ưu tiên của quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Góp ý vào hồ sơ Quy hoạch tổng thế quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xây dựng quan điểm tiếp cận hướng biển, sông ngòi và tiếp cận lục địa vì Việt Nam là thuộc bán đảo có mặt tiền hướng biển rất dài hàng nghìn km với nhiều lợi thế cạnh tranh cả về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan sinh thái biển cũng như lợi thế cạnh tranh về phát triển kinh tế nông nghiệp mạnh. Do đó, tư duy hướng biển cần được đặt ra thật rõ ràng và cụ thể; kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp cần được phát triển như một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra định hướng không gian phát triển thành 6 vùng kinh tế - xã hội tương ứng với 6 vùng không gian văn hoá là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên phải chỉ rõ thế mạnh, những vấn đề đặt ra cho từng vùng để có kế hoạch phát triển phù hợp và khắc phục được những hạn chế. Từ đó chỉ ra các giải pháp và nguồn vốn ưu tiên đầu tư. Bên cạnh đó, ngoài sản phẩm Ocops trong nông nghiệp cũng cần có Ocops trong lĩnh vực văn hoá. Thành phần kinh tế tư nhân trong lĩnh vực văn hoá cũng rất cần được quan tâm.

Ngoài ra, PGS.TS Đặng Văn Bài cũng nhấn mạnh, qua thực tế, các giải pháp và chính sách thiết thực nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho một số bộ, ngành và lĩnh vực ưu tiên trong đó có ngành văn hoá. Tạo điều kiện công khai minh bạch để các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng thực hiện việc giám sát./.

Minh Thành