PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TRONG XU THẾ GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH ĐÒI HỎI NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

20/12/2022

Theo nhiều chuyên gia, để có thể đạt được mục tiêu kép phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ nguồn tài chính, nhân lực; triển khai quy hoạch đất đai, quy hoạch Phát triển điện, định hướng và thu hút đầu tư xanh…

LẤY Ý KIẾN CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC ĐỐI VỚI HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG

Năm 2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc sẽ thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, mục tiêu của đợt giám sát chuyên đề này là phản ánh khách quan, trung thực việc thực hiện các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua để từ đó giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể nhìn nhận khách quan được những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức, hạn chế để đưa ra các giải pháp điều chỉnh kịp thời.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.

Chương trình giám sát cũng góp phần đề xuất hợp tác với các tổ chức quốc tế để thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị COP 26 về triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó là đề ra các giải pháp trong chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển năng lượng hiệu quả, công bằng trong thời gian tới.

Đóng góp ý kiến vào việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trong xu hướng phát triển năng lượng, tại Hội thảo "Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Giải pháp hoàn thiện" do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, TS.Nguyễn Hoàng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như dân số, vấn đề môi trường càng trở nên quan trọng. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đặc biệt đối với nhiên liệu hóa thạch đã khiến Việt Nam phải đối diện với các vấn đề về chất thải rắn, lỏng và khí.


TS.Nguyễn Hoàng Lan - Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong thế kỷ này, ảnh hưởng của các khí nhà kính đến sự thay đổi khí hậu càng trở nên trầm trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam đã và đang có những hành động để đóng góp vào nỗ lực giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần đây nhất là cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngành năng lượng là một ngành có đóng góp phần lớn vào phát thải quốc gia nhưng lại là một ngành không thể thiếu cho phát triển kinh tế.

Làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu kép phát triển năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính với chi phí tốt nhất là vấn đề hiện đang đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam. Để giải quyết việc này, theo TS.Nguyễn Hoàng Lan, cần có các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cũng như các giải pháp về mặt thị trường, trong đó phát triển thị trường các bon là một giải pháp thị trường cần thiết giúp cho việc giảm phát thải khí nhà kính. Xây dựng thị trường các bon trong bối cảnh Việt Nam cần phải có những bài học kinh nghiệm của những quốc gia đã xây dựng thị trường thí điểm hoặc thị trường hoàn chỉnh để có thể nâng cao khả năng thành công trong xây dựng thị trường.


Hội thảo "Hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Giải pháp hoàn thiện" do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Việt Nam cần cả nguồn tài chính công và nguồn tài chính tư từ trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần định rõ hướng đi của mình về đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) và đặc biệt là sử dụng  nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân trong nước đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt được mục tiêu cao cả đề ra trong Hội nghị COP 26.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, để đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hàng ngày sẽ dần trở thành vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm, đồng bộ:

Môt là: Xây dựng một Luật khí hậu toàn diện để tạo điều kiện cho những sáng kiến đột phá và có tính khả thi.

Hai là: Tăng cường cung cấp các dịch vụ thông tin về khí hậu cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người chịu gánh nặng của các tác động bởi khí hậu.

Ba là: Thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu suất năng lượng và bảo vệ người lao động và những người dễ bị tổn thương.


PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bốn là: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát huy thế mạnh năng lượng gió, đặc biệt là gió ngoài khơi với hơn 3.500 km đường bờ biển của Việt Nam ở vũng Biển Đông; Xây dựng quy hoạch không gian biển gắn với phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia về Biển, đảo, hải đảo và quần đảo của Việt Nam.

Năm là: Triển khai quy hoạch đất đai, quy hoạch Phát triển điện, định hướng và thu hút đầu tư xanh, xây dựng các công trình trên biển, công trình lấn biển.  Quy hoạch và phát triển đảo nhân tạo…

Sáu là: Nhanh chóng đầu tư cho phát triển Chiến lược tài chính thúc đẩy đầu tư công nghệ hiện đại 5.0 cho Bảo vệ khí hậu, bảo vệ môi trường của nền kinh tế tuần hoàn.  Nền tài chính xanh, giao dịch kết quả giảm phát thải, thị trường carbon, trái phiếu xanh, nhãn sinh thái…

Bảy là: Hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việt Nam cần tăng cường các chính sách và biện pháp về sản xuất, tiêu thụ và tái chế nhựa, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh nguồn nước. Hãy bảo vệ và giải cứu các dòng sông, dòng suối đầu nguồn … giảm thiểu rủi ro và phòng chống cháy rừng, phòng chống ô nhiễm biển, xử lý rác thải thông thường và rác thải nguy hại từ các khu công nghiệp, làng nghề, cụm công nghiệp;

Tám là: Đảm bảo lợi ích công bằng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các thành tố của môi trường sống và đưa ra các biện pháp để bảo vệ cộng đồng địa phương và người lao động khỏi các tác động bất lợi khi hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0./.

Bích Lan