TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TRONG QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG

19/12/2022

Giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm để ngăn chặn, xử lý đồng thời kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và pháp luật, cần tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề; có những biện pháp cụ thể đối với những cơ quan, tổ chức cá nhân không thực hiện hay thực hiện chưa triệt để kiến nghị của Đoàn Giám sát,...

 

Giám sát là một trong ba chức năng chính của Quốc hội

Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Vừa qua, công tác giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương đã từng bước được đẩy mạnh. Hoạt động giám sát với nhiều đổi mới, đã đưa lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành Trung ương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công.

Tài sản công là nguồn lực nội sinh của đất nước, góp phần quan trọng vào quá trình sản xuất cũng quản lý xã hội, cung cấp nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tất cả tài sản công đều do Nhà nước là chủ sở hữu, và Nhà nước giao quản lý trực tiếp sử dụng tài sản cho các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước. Tài sản công tại cơ quan nhà nước bao gồm trụ sở làm việc, phương tiện đi lại và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đốiv ới đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Nghiên cứu về nội dung này, TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, để thúc đẩy thực hiện quản lý sử dụng tài sản công nói chung, tài sản công thuộc các cơ quan nhà nước ở trung ương nói riêng được hiệu quả những năm qua Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là Nhà nước đã ban hành không ít các văn bản pháp luật để thực hiện giám sát quản lý tài sản công, cụ thể: Hiến pháp năm 2013, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đấu thầu, ….

Các văn bản pháp luật này tập trung quy định về trách nhiệm giám sát của các chủ thể trong nhà nước, đặc biệt là Quốc hội và các cơ quan liên quan. Cụ thể: Khoản 2 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Tiếp đó, vai trò giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan trung ương được cụ thể hóa trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2105. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã cụ thể hóa vấn đề này trong các quy định pháp luật.

TS. Bùi Đức Hiển cũng cho rằng, những năm qua hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan Trung ương đã đạt được một số kết quả tích cực:

Một là, qua việc giám sát của Quốc hội, việc thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản nhà nước được gắn với tiêu chuẩn, định mức.

Hai là, qua việc giám sát của Quốc hội, cac cơ quan nhà nước tại trung ương thúc đẩy đổi mới phương thức quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ, xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm quản lý; tổ chức hạch toán và cập nhật thông tin về tài sản vào cơ sở dữ liệu; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư, bảo trì, khai thách tài sản.

Ba là, chính sách tài chính đất đai đã được từng bước hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phù hợp với cơ chế thị trường. Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình

Bốn là, công tác giám sát hoạt động quản lý, xử lý hàng hóa tịch thu, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tổ chức kiểm đếm, phân loại để tổ chức bảo quản an toàn tài sản quý, hiếm do các cơ quan chức năng chuyển giao; xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển được tăng cường;

Năm là, giám sát được thực hiện qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước làm cơ sở hoạch dịnh chính sách, chỉ đạo, điều hành vê tài sản công.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc quản lý, sử dụng tài sản công cũng như thực hiện giám sát quản lý tài sản công vẫn còn một số bất cập, cụ thể: các quy dịnh pháp luật về vấn đề này vẫn chưa được hoàn thiện; cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn có điểm chưa hợp lý như dồn nhiều thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên; việc quản lý, sử dụng tài sản công tuy đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, song vẫn còn những tồn tại;...

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên, đầy đủ, kịp thời; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thống nhất đồng bộ về quản lý tài sản công. Hoạt động giám sát của Quốc hội về việc quản lý sử dụng tài sản công đối với các cơ quan hành chính nhà nước còn chưa nhiều, nguồn nhân lực giám sát còn thiếu; ...

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công tại các cơ quan nhà nước ở trung ương trong thời gian tới, TS. Bùi Đức Hiển kiến nghị:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản pháp lý liên quan theo hướng để chủ thể quản lý luôn lựa chọn tuân thủ pháp luật về vấn đề này. Đẩy mạnh giám sát việc quản lý tài sản công với chính các cơ quan thuộc Quốc hội và các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở Trung ương

Thứ hai, cần xác định rõ mục đích giám sát của Quốc hội đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan trung ương, tập trung giám sát tốt những vấn đề mà Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước đã đưa ra, có những biện pháp cụ thể, kịp thời với những vấn đề thực hiện giám sát. Chương trình giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan trung ương cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, tiến hành giám sát theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Hoạt động giám sát cần được quan tâm thường xuyên, hạn chế tối đa sự chồng chéo.

Thứ ba, xác định rõ nội dung giám sát cần tập trung vào những vấn đề quản lý sử dụng tài sản công mà nhân dân quan tâm, như lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, giao thông, dầu khí, công thương,... phù hợp với điều kiện Quốc hội, những mục tiêu chính sách đã được xác định trong các đạo luật và trong các nghị quyết của Quốc hội.

Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề đối với quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan trung ương.

Thứ năm, tăng cường hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan trung ương. Cần có những biện pháp cụ thể đối với những cơ quan, tổ chức cá nhân không thực hiện hay thực hiện chưa triệt để những kiến nghị của Quốc hội đưa ra. Nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Ủy ban trong hoạt động giám sát bằng các sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong đó, quy định Ủy ban Giám sát có thẩm quyền đề nghị xử lý kỷ luật, khiển trách đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành yêu cầu của Đoàn giám sát.

Thứ sáu tăng cường vị trí, vai trò của các đại biểu Quốc hội trong giám sát hoạt động về hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan trung ương.

Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Cần có những quy định pháp chế cụ thể về thực hiện giám sát, những nội dung mà nghị quyết đưa ra phải rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân trong quá trình thực hiện giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan trung ương.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát xã hội trong quản lý và sử dụng tài sản công tại các cơ quan trung ương./.

Lê Anh