HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 6 ĐỀ RA 10 NHÓM NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP NHẰM TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

05/12/2022

Sáng 5/12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã có báo cáo chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó chỉ rõ tình hình, quan điểm, các mục tiêu, trọng tâm và nhóm nhiệm vụ, giải pháp và chỉ đạo tổ chức thực hiện.

HƠN 1 TRIỆU CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CẢ NƯỚC THAM DỰ HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TW ĐẢNG KHÓA XIII

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị

Pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” xác định rõ mục tiêu tổng quát là: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Ủy viên Bộ Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã có báo cáo chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”

Trong đó xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ công lý.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật minh; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Nghị quyết của Trung ương đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hai là, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Năm là, tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch Nước theo Hiến pháp.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Sáu là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Bảy là, tiếp tục xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Tám là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Chín là, tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Mười là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội Việt Nam.

Bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt các chức năng

Liên quan đến Quốc hội, với yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp về tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp. Gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với đơn vị bầu cử và cử tri; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện cơ chế giám sát của cử tri và cơ chế, phương thức, tiêu chí đánh giá đối với đại biểu Quốc hội; bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt vai trò trung tâm của mình.

Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội; kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp quy định; đề cao vị trí, vai trò, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén; hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội; xây dựng Quốc hội điện tử.

Tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại hội nghị

Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách.

Chiều cùng ngày, Hội nghị sẽ nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.

Một số hình ảnh bên lề hội nghị:

Bảo Yến - Phạm Thắng