PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC: QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN ĐANG ĐƯỢC HIỆN THỰC BẰNG CÁC NGHỊ QUYẾT, CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

05/12/2022

Trong hai ngày 5 và 6/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII. Trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng nhằm đạt được Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

HƠN 1 TRIỆU CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CẢ NƯỚC THAM DỰ HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TW ĐẢNG KHÓA XIII

PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC: HỆ THỐNG PHÁP LUẬT PHẢI TRỞ THÀNH CÔNG CỤ CHỦ YẾU ĐỂ NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH ĐẤT NƯỚC

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII.

Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ngày 9/11/2022.

Nghị quyết đã phân tích tình hình cụ thể công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng, thành tựu đạt được, tồn tại, nguyên nhân. Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời nêu mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Nghị quyết cũng nêu 3 trọng tâm, 10 nhiệm vụ giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trả lời phỏng vấn Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định, nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã cụ thể rất nhiều vấn đề, quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 2011, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII… nhằm đạt được Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Phóng viên: Trong hai ngày 5 và 6/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, một trong những nội dung được truyền đạt tại hội nghị là “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Xin ông cho biết quan điểm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Đảng ta đề cập như thế nào trong các thời kỳ?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Nhìn lại lịch sử có thể thấy, tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa 7 năm 1994, Đảng ta đã xác định quan điểm phải xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Sau đó, đến Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa VII 1995 đã thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Từ đó, toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển Nhà nước ở nước ta thực hiện theo quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Với thành quả xây dựng Nhà nước pháp quyền từ đó đến nay đã có nhiều thành quả rất lớn, đặc biệt là việc hoàn thiện bộ máy bao gồm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; đổi mới hoạt động của Quốc hội. Trong đó, Quốc hội tập trung vào thực hiện chức năng lớn là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hệ thống Nhà nước.

Trên tinh thần đó, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được bổ sung và phát triển trong bản Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Trong đó Hiến pháp năm2013 thể hiện sự phát triển của quan điểm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã nêu ra qua thời kỳ trước và đánh dấu một bước phát triển căn bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, có một quan điểm rất lớn đó là xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó hết sức chú ý xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây là quan điểm rất cơ bản mà Đại hội Đảng XIII, nên hiện nay chúng ta cần nắm vững quan điểm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó cốt lõi là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây cũng là điều đã được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 2011).

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

Phát triển các quan điểm như ở trên, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trước khi ban hành nghị quyết, Bộ Chính trị đã thành lập Ban chỉ đạo (do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban) xây dựng đề cương hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới và được thảo luận rất kỹ.

Phóng viên: Nghị quyết 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành ngày 9/11/2022. Theo ông, nội dung của Nghị quyết đã kế thừa và cụ thể hóa các quan điểm Đảng trong các thời kỳ như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Trước hết phải khẳng định đây là Nghị quyết được chuẩn bị rất công phu, có cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn. Tổng kết lý luận là dựa vào lý luận nhà nước pháp quyền, kế thừa kế quá trình phát triển nhà nước pháp quyền Việt Nam từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013; đúc kết từ thực tiễn vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội thời gian qua đã khẳng định quan điểm Nhà nước pháp quyền là quan điểm hoàn toàn đúng đắn.

Điều này không những đáp ứng đòi hỏi phát triển của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam, mà còn là phù hợp với thời đại, bởi các nước trên thế giới đều xây dựng nhà nước pháp quyền. Hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ quốc tế, quan niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là phù hợp, được Liên Hiệp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đồng tình, ủng hộ. Ngoài ra, về mặt lý luận, quan điểm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng được ghi trong Cương lĩnh năm 2011.

Còn về mặt thực tiễn, vai trò và tính hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước pháp quyền đã được chứng minh trong thực tế, trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý về các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, đối ngoại, toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội, của Nhân dân.

Thực tiễn cũng chứng minh hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) rất rõ, thể hiện quan điểm rất nhất quán và được Hội nghị Trung ương 6 nhấn mạnh và cụ thể hơn.

Ví dụ như quan điểm tất cả mọi quyền lự thuộc về Nhân dân. Đây là quan điểm rất cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Ở nước ta quyền lực thuộc về Nhân dân không chỉ dừng lại ở quan điểm, nguyên tắc, mà còn được cụ thể hóa trong chính sách, pháp luật cụ thể giúp Nhân dân thực hiện được quyền lực, Nhân dân là chủ thể của quyền lực và ủy nhiệm quyền lực đó cho bộ máy nhà nước để thực thi quyền lực của Nhân dân. Quyền lực của Nhân dân đang từng ngày được hiện thực bằng các nghị quyết, chính sách cụ thể nhằm giải quyết mối quan hệ trong xã hội đó là Đảng cầm quyền (quyền lãnh đạo của Đảng), Nhà nước pháp quyền (thực thi quyền lực nhà nước) và quyền làm chủ của Nhân dân.

Quan điểm thứ hai trong quan điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó là quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy không có sự phân chia quyền lực, mà quyền lực Nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong Nghị quyết 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã nhấn mạnh sự phối hợp quyền lực, sự kiểm soát quyền lực đối với bộ máy của trong hệ thống nhà nước và kiểm soát quyền lực đối với những cán bộ - những người được giao trách nhiệm thực thi quyền lực đều phải kiểm soát quyền lực.

Nghị quyết 27-NQ/TW cũng cụ thể hóa quan điểm trong Cương lĩnh năm 2011, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2014, Đại hội Đảng XIII đó là tất cả mọi thành viên trong xã hội phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Từ đó giúp nâng cao khả năng nắm bắt pháp luật để quản lý đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi cần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của bộ máy cơ quan nhà nước, của đội ngũ công chức, nhất là những người trực tiếp thực thi pháp luật; đồng thời nâng cao hiểu biết pháp luật cho Nhân dân.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cũng cần nhấn mạnh quan điểm trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khi thực thi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đó là cần xác định rõ Việt Nam tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế.

Như vậy, có thể nói nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã cụ thể rất nhiều vấn đề để thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm đạt được mục tiêu xây dựng đất nước, gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, khi xây dựng pháp luật đều phải quán triệt tinh thần của Nhà nước pháp quyền nhưng cũng phải quán triệt tinh thần, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phóng viên: Một trong 10 nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã nêu mục tiêu đến năm 2030 tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp. Vậy theo quan điểm của ông, trong giai đoạn mới, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới như thế nào trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Có thể khẳng định, mấy khóa Quốc hội gần đây, đặc biệt là khóa XV thấy rất rõ sự đổi mới, cải tiến. Quốc hội đã thể hiện rất rõ, không chỉ trong hoạt động của Nhà nước, mà có ảnh hưởng lớn đến đời sống của toàn xã hội. Vị trí của Quốc hội được khẳng định rất rõ nét. Điều này đòi hỏi thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, trong đó cụ thể hóa hơn nữa chức năng cơ bản của Quốc hội (lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao). Đặc biệt, Quốc hội cần cụ thể hóa chức năng giám sát tối cao, bởi đây là vấn đề khó vì phải thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao đối với toàn bộ hệ thống nhà nước; giám sát như thế nào để có hiệu lực, hiệu quả, tránh hình thức, nhằm thúc đẩy hoạt động của Nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước ngày càng ổn định hơn.

Tôi cho rằng, cũng cần hoàn thiện hơn bộ máy giúp việc của Quốc hội, ngoài Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần thu hút được những người giỏi về pháp luật, có kinh nghiệm trong hoạt động nhà nước để hoàn thiện các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Bởi đây là các cơ quan có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, nâng cao hơn nữa trí tuệ, trình độ của đại biểu; tập huấn để nâng cao hơn trình độ của đại biểu để có am hiểu sâu sắc về công tác xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, cần làm cho đại biểu Quốc hội nhận rõ vị thế, vai trò tầm quốc gia của đại biểu - đại diện cho cử tri và Nhân dân cả nước, chứ không phải đại biểu Quốc hội của một địa phương, một vùng miền.

Phóng viên: Theo ông, việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào cuộc sống có vai trò, ý nghĩa như thế nào đến việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Tôi cho rằng, cần quán triệt sâu sắc quan điểm cơ bản đến toàn bộ đảng viên, nhất là các cấp chính quyền nắm được, để tất cả cán bộ, công chức từ Trung ương xuống cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nắm được quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền thì mới thực thi tốt được. Trong đó, đặc biệt chú trọng quán triệt quan điểm này đối với người làm việc trong bộ máy công quyền nhận thức sâu sắc hơn; đồng thời, thông qua việc triển khai Nghị quyết để nâng cao nhận thức của Nhân dân về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là về pháp luật.

Tôi tin rằng, với quan điểm, chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật cụ thể và quán triệt đến toàn bộ Đảng viên và Nhân dân thì việc triển khai sẽ có hiệu quả trong thực tiễn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương