TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CHUYÊN SÂU CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÔNG

01/12/2022

Đầu tư công là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Để bảo đảm Chính phủ thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả, Quốc hội tổ chức các hoạt động giám sát về nội dung này, kịp thời kiến nghị để có sự điều chỉnh phù hợp. Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát đầu tư công, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần tăng cường hoạt động giám sát chuyên sâu của Quốc hội....

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ PHÂN BỔ, GIÁM SÁT VIỆC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NỀN KINH TẾ

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Tại hội thảo khoa học ““Lý luận và thực trạng phân bổ vốn đầ tư công, giám sát của Quốc hội về phân bổ vốn đầu tư công” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đầu tư công là hoạt động quan trọng của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Những năm gần đây, đầu tư công càng được đặc biệt quan tâm do nhiều quốc gia trên thế giới đều mong muốn tăng hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh nợ công gia tăng, thông qua hoạt động đầu tư công để tạo môi trường và thúc đẩy phát triển.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh, ở Việt Nam, trong bối cảnh yêu cầu phát triển rất cao, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nợ công có xu hướng tăng, nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả, vấn đề đầu tư công càng trở thành tâm điểm thảo luận của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân. Trong đó, cơ chế phân bổ vốn đầu tư công là một nội dung quan trọng để bảo đảm tính công bằng, trọng tâm, trọng điểm và quyết định đến hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đối với các cơ quan của Quốc hội, với thẩm quyền quyết định và giám sát về ngân sách nhà nước, về kế hoạch đầu tư công trung hạn từng giai đoạn, việc quyết định cơ chế phân bổ vốn đầu tư công và hoạt động giám sát tình hình phân bổ vốn đầu tư công là những nhiệm vụ quan trọng.

Kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập

Theo Ths. Đỗ Mạnh Hùng, Vụ TCNS, Văn phòng Quốc hội, đầu tư công đã được Quốc hội giám sát tại khâu lập kế hoạch, đến khâu thực hiện và quyết toán. Các dự án đầu tư công lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển những lĩnh vực quan trọng, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho quốc gia đều được Quốc hội thực hiện giám sát chặt chẽ, từ khâu thẩm định tờ trình đến phân bổ vốn, thực hiện đầu tư theo các giai đoạn và quyết toán công trình. Sự ra đời của kế hoạch đầu tư công trung hạn thể hiện một bước tiến lớn trong việc giám sát và quản lý đầu tư công của Việt Nam.

Nhận định về hoạt động này, PGS.TS Đinh Văn Nhã, nguyên PCN Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, từ đó, các cơ quan hữu quan nhận thức đầy đủ trách nhiệm và thựnc hiện tốt hơn nhiệm vụ. Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư công, ngoài các báo cáo được gửi tới để các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu còn có các báo cáo được trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cùng quan điểm, TS. Phan Văn Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải, Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho rằng, nhờ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nên các dự án đầu tư công cũng thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đáp ứng mục tiêu chung của công tác đầu tư công là tạo hạ tầng và định hướng cho đất nước phát triển.

Khẳng định hoạt động đầu tư công luôn giữ vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, TS. Phan Văn Lâm nhấn mạnh, pháp luật về đầu tư công là hành lang pháp lý quan trọng để nhà nước lấy làm căn cứ vận hành thống nhất. Trong đó, vấn đè phân bổ vốn và giám sát việc phân bổ vốn là xương sống của đầu tư công.

Tăng cường hoạt động giám sát chuyên sâu của Quốc hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia cũng cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý trong giám sát đầu tư công như: Tính toàn diện trong giám sát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công; Hoạt động theo dõi kiến nghị sau giám sát đầu tư công chưa hiệu quả; Nguồn nhân lực tham giám sát còn thiếu; Hướng dẫn chi tiết về giám sát đầu tư công của Quốc hội chưa đầy đủ; Cơ sở dữ liệu về quá trình giám sát đầu tư công còn chưa phát triển;…

PGS.TS Đinh Văn Nhã, nguyên PCN Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội chỉ ra rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công mặc dù đã được Quốc hội kiểm tra, giám sát, thảo luận cụ thể nhưng vẫn không tránh được những thiếu sót dẫn đến hiệu quả đầu tư có xu hướng giảm dần và thấp hơn khá nhiều so với các khu vực kinh tế khác khi xét trong mối quan hệ tương quan về lượng giữa số vốn đã bỏ ra và kết quả đạt được….

Đưa ra giải pháp để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát đầu tư công, các chuyên gia đề nghị cần tăng cường hoạt động giám sát chuyên sâu của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội; triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đi đôi với việc kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát;…

Theo Ths. Đỗ Mạnh Hùng, cần tập trung triển khai hiệu quả các công cụ giám sát của Quốc hội. Trong đó, cần tăng cường giám sát chuyên đề đối với lĩnh vực đầu tư công. Bởi vì, hình thức này có thể giúp Quốc hội, UBTVQH thấy được bức tranh toàn cảnh về vấn đề cần giám sát.

Ngoài ra, đối với các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đầu tư công tại các cơ quan, đơn vị, nên cân nhắc lựa chọn hình thức chất vấn và xem xét trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH hoặc chất vấn bằng văn bản….

Cũng theo Ths. Đỗ Mạnh Hùng, trong quá trình triển khai giám sát đầu tư công, cần phối hợp sức mạnh giám sát của Quốc hội với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chính quyền các cấp để đảm bảo thực thi các kết luận giám sát. Đồng thời, tăng cường sự tham gia giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cử tri… 

Ngoài ra, để hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả, hiệu lực, ý kiến chuyên gia cho rằng, cần chú trọng tới giai đoạn hậu giám sát, có chế tài xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, cơ quan không thực hiện nghiêm các kết luận giám sát; Xây dựng cơ chế kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kết luận sau giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội;… Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới vấn đề nguồn nhân lực và nguồn tài chính phục vụ, đảm bảo cho hoạt động giám sát./.

Lê Anh