TS.LÊ THỊ NHÃ: CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ BÁO CHÍ SAU PHIÊN CHẤT VẤN

07/11/2022

Phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 4 đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nhận được sự đánh giá cao từ cử tri và nhân dân. Quan tâm đến nội dung chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông, TS.Lê Thị Nhã, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng phiên chất vấn đã cơ bản thành công, đồng thời, cần có giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí, tạo chuyển biến rõ nét sau phiên chất vấn.

KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: CHẤT VẤN 04 NHÓM VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM

CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV: CHIA SẺ, ĐỒNG HÀNH, TÌM QUYẾT SÁCH ĐÁP ỨNG MONG MỎI CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Từ ngày 03-05/11 vừa qua, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ và thanh tra. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của nhiều chuyên gia, học giả, cử tri và nhân dân cả nước.

Theo dõi đến sự kiện này, TS.Lê Thị Nhã, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, phiên chất vấn đã cơ bản thành công bước đầu khi đưa ra được nhiều thông tin, định hướng chính sách quan trọng, và nhận được sự quan tâm của cử tri. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, TS.Lê Thị Nhã cho rằng cần có giải pháp căn cơ, toàn diện hơn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý báo chí, tạo chuyển biến rõ nét sau phiên chất vấn.

TS.Lê Thị Nhã, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Phóng viên: Thưa bà, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã diễn ra và nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Bà có nhận định gì về phiên chất vấn này?

TS.Lê Thị Nhã, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Qua theo dõi phiên chất vấn và dư luận xã hội xung quanh sự kiện này, tôi cho rằng phiên chất vấn đã cơ bản thành công bước đầu, khi quá trình chất vấn đã đưa ra được nhiều thông tin, định hướng chính sách quan trọng, và nhận được sự quan tâm của cử tri. Thành công bước đầu này trước hết đến từ cách đặt vấn đề tương đối hay điểm được đến những vấn đề nóng vốn đang được nhiều cử tri quan tâm liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước. Qua theo dõi các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8 và lần này là Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, tôi thấy công tác chất vấn trong thời gian qua đã bao quát được nhiều lĩnh vực lớn, bám sát nhiều vấn đề trọng điểm, cấp thiết, tiêu biểu như vấn đề cung ứng, điều hành giá xăng dầu, hay trong phiên chất vấn vừa qua về vấn đề chính sách đãi ngộ công chức, viên chức.

Trong tổ chức thực hiện, tôi cho rằng Phiên chất vấn đã có sự đầu tư tương đối kỹ càng, với điểm mới là lựa chọn và công bố khá sớm lĩnh vực chất vấn. Công tác thông tin, truyền thông về phiên chất vấn cũng được thực hiện tương đối tốt, các cơ quan báo chí, truyền thông đã truyền tải nhiều nội dung điểm nhấn hấp dẫn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, kéo gần hơn khoảng cách giữa cử tri với nghị trường.

Về nội dung phiên chất vấn, tôi cảm nhận được không khí khẩn trương, nghiêm túc của nghị trường trong hơn hai ngày chất vấn vừa qua. Các đại biểu Quốc hội đã khá thẳng thắn, sẵn sàng tranh luận, bổ sung ý kiến, làm rõ vấn đề, thể hiện một tinh thần đồng hành tích cực của Quốc hội đối với Chính phủ như đã thể hiện trong thời gian qua.

Quang cảnh phiên chất vấn 

Thời gian trả lời câu hỏi cho mỗi vấn đề rất ngắn, trong khi các vấn đề chất vấn thì có phạm vi rộng, độ phức tạp cao, nên các Trưởng ngành chưa thể đem đến câu trả lời thực sự toàn diện, cặn kẽ và sâu sắc về các vấn đề, nhưng qua chất vấn, cử tri cũng đã nhìn nhận và đánh giá được về những giải pháp khái quát, định hướng cơ bản cho rất nhiều vấn đề cấp thiết. Tôi cho rằng đó là thành công bước đầu, phiên chất vấn sẽ đạt được thành công toàn diện nếu thời gian tới, các Trưởng ngành tạo được chuyển biến rõ rệt ở những vấn đề đã được đặt ra trên nghị trường.

Phóng viên: Tại Kỳ chất vấn này, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về các nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực là xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra. Bà quan tâm đến nội dung nào nhất trong lần chất vấn này?

TS.Lê Thị Nhã, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Theo dõi phiên chất vấn, tôi thấy có nhiều chủ đề quan trọng như thu hút nhân tài cho khu vực công; chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức; việc triển các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tôi quan tâm nhất tới phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đặc biệt là về vấn đề “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử. Đây cũng là vấn đề đội ngũ làm công tác báo chí, truyền thông quan tâm, bàn luận nhiều trong thời gian qua. Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt về việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết vấn đề này.

Thực chất, với ngành báo chí thì đây là vấn đề không mới. Theo đúng ý nghĩa đích thực, tạp chí cần có nội dung chuyên sâu trong phạm vi hẹp, gắn với việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học, các bài viết mang tính nghiên cứu lý luận, truyền tải tri thức, ý kiến thảo luận chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng một số cơ quan tạp chí chưa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ đề ra, đăng ít thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, mà mở rộng, đề cập tới nhiều vấn đề thời sự vượt ra ngoài phạm vi nội dung theo khuôn khổ của tạp chí; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đã quy hoạch một số báo trở thành loại hình tạp chí. Tuy nhiên, sau khi chuyển thành tạp chí, tuy vỏ ngoài đã đổi, nhưng cốt lõi bên trong, tổ chức vận hành hoạt động tòa soạn, việc lên kế hoạch nội dung, tổ chức sản xuất tin bài vẫn đi theo lối mòn cũ, không có sự đổi mới, điều chỉnh phù hợp với diện mạo và loại hình mới, nên phạm vi thông tin của tạp chí quá rộng, dẫn đến tình trạng này.

Ngoài ra, có thể nói cơ chế, chính sách, quy định liên quan về vấn đề này vẫn chưa chặt chẽ, việc thực hiện xử phạt và chế tài chưa thật sự nghiêm khắc, người đứng đầu các tòa soạn chưa thật sự ý thức được hoặc có hành động quyết liệt, đưa ra nội quy nghiêm minh.

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nhấn mạnh, Bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu và xử phạt nhiều đơn vị vi phạm, đồng thời kêu gọi sự tham gia của cả cộng đồng trong việc giám sát các đơn vị, cơ quan tạp chí. Tôi cho rằng đó là những việc làm cần thiết, đáng ghi nhận, tuy nhiên, như vậy vẫn còn chưa đầy đủ, chưa phải giải pháp thật sự căn cơ cho vấn đề này.

Phóng viên: Theo bà, nên thực hiện những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, và bà có hy vọng gì về những chuyển biến trong thời gian tới sau phiên giám sát?

TS.Lê Thị Nhã, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có xác định nhiệm vụ “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Ngày 14/6 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 156-KH/BTGTW về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tôi cho rằng, đây sẽ là cơ sở quan trọng mà cơ quan quản lý báo chí và mỗi cơ quan báo chí cần bám sát, tổ chức thực hiện nhằm hạn chế và đẩy lùi hiện tượng “báo hóa” tạp chí.

Bên cạnh những giải pháp rà soát, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt như Bộ trưởng đã nêu, tôi cho rằng cần hoàn thiện và ban hành đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, với những hướng dẫn chi tiết, cơ chế xử lý cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, cần thúc đẩy nhóm cơ quan báo chí chủ lực thực hiện tốt công tác định hướng dư luận xã hội; nâng cao trách nhiệm, nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý báo chí của người đứng đầu các cơ quan báo chí, phóng viên tòa soạn, đảm bảo hiểu rõ và làm đúng theo chức năng, nhiệm vụ của tòa soạn.

Tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, các quy định của pháp luật đang đi chậm hơn và phải nỗ lực để bắt kịp diễn biến nhanh chóng và đa dạng của đời sống thực tế. Tôi hy vọng rằng phiên chất vấn lần này sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn các vấn đề cho ngành báo chí, truyền thông nói riêng, cho 4 lĩnh vực được chất vấn nói chung, và các trưởng ngành sẽ thực hiện đúng theo những gì đã phát ngôn trước Quốc hội, để việc quản lý không chỉ bắt kịp, mà cò thích ứng linh hoạt phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của đời sống hiện đại.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hồ Hương

Các bài viết khác