TỔNG THUẬT SÁNG NGÀY 27/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Đại biểu Dương Minh Ánh- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đại biểu Dương Minh Ánh- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước. Đại biểu ghi nhận việc bổ sung chỉ tiêu giáo viên được Chính phủ thực hiện thời gian qua, tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đại biểu cho rằng cần chủ động đào tạo lực lượng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình giáo dục mới. Đồng thời, cần nâng cao chế độ, chính sách tiền lương đối với lực lượng giáo viên.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương, cho phép các địa phương được tuyển dụng các giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn cũ nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn mới, để lực lượng này tự nâng cao năng lực bản thân, đạt tiêu chuẩn mới vào năm 2030.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Đặc biệt, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo để có chính sách tổng thể trong phát triển và quản lí đội ngũ giáo viên phù hợp với chiến lược giáo dục.
Theo dõi phiên họp quan trọng này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao những ý kiến phát biểu sâu sắc, trách nhiệm, sát với tình hình thực tế của các đại biểu, đồng thời đặc biệt đồng tình với đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.
Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cũng nhấn mạnh, hiên nay là thời điểm phù hợp để xây dựng Luật Nhà giáo, luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Học viện Quản lý giáo dục
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Học viện Quản lý giáo dục, Luật Nhà giáo sẽ là nền tảng để xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục, đây là yếu tố quan trọng đặc biệt cần có trong bối cảnh hội nhập, đa văn hóa. Luật Nhà giáo được ban hành càng sớm càng tốt để người làm công tác giáo dục nắm chắc và thực hiện nghiêm túc, xem đây như cơ sở, nền tảng để phát triển văn hóa nhà trường.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng cũng chỉ ra rằng, dù nghề dạy học đã được đề cập trong một số điều khoản của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, các hoạt động, chính sách của các chủ thể liên quan trong ngành giáo dục thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng bởi Luật Viên chức… song nhà giáo là một chức danh nghề nghiệp và mỗi nghề có đặc trưng riêng, do đó cần sớm ban hành Luật Nhà giáo.
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, đối với việc xây dựng Luật Nhà giáo, cần kế thừa, hoàn thiện các quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục, bổ sung, phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo; rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Hiện nay, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nhiều nhả quản lý giáo dục cho rằng, do chưa có quy định pháp lý chặt chẽ, nên những năm qua, cơ chế chính sách đặc thù về lương, bổ nhiệm, tuyển dụng, chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo chưa được nâng cao, áp lực công việc, áp lực xã hội lớn dẫn đến tình trạng nhiều thầy, cô giáo chuyền nghề. Nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng không được chủ động tuyển dụng, bổ sung. Các chuyên gia hy vọng, việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ góp phần giải quyết tận gốc những vấn đề nan giải này.
Giám đốc Quỹ VIGEF Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học
Quan tâm đến vấn đề này, Giám đốc Quỹ VIGEF Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng, trong xây dựng Luật Nhà giáo, cần tạo chính sách đặc thù cho đối tượng nhà giáo trong khu vực công cũng như khu vực tư; có chính sách phù hợp nghề nghiệp đặc thù, tách nhà giáo khỏi đối tượng công chức- viên chức, tạo khung pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; hiệu lực pháp lý mạnh để thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh và nâng cao vị thế của nhà giáo.
Theo Giám đốc Quỹ VIGEF Đặng Tự Ân, xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng văn hóa học đường lành mạnh và cũng là xây dựng văn hóa giáo dục. Mà văn hóa giáo dục là gốc của văn hóa quốc gia. Văn hóa quốc gia còn là còn dân tộc và đất nước. Mặt khác nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo làm Hiệu trưởng là người gieo mầm, lan tỏa hạnh phúc trong trường học hạnh phúc. Do đó xây dựng Luật nhà giáo là xây dựng sư đức, tạo cho nhà giáo hạnh phúc hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội và đất nước.