KỲ HỌP THỨ 4: KỲ VỌNG MỘT GIẢI PHÁP THỎA ĐÁNG CHO TÌNH TRẠNG CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC

20/10/2022

Kỳ họp thứ 4 đã chính thức khai mạc với nhiều kỳ vọng của cử tri, nhân dân trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế, đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết những vấn đề nóng hổi, cấp thiết của đời sống. Tham dự Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp sẽ giúp phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp thỏa đáng cho tình trạng công chức viên chức nghỉ việc trong thời gian qua.

TỔNG THUẬT SÁNG 20/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

CÁC VỊ LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC DỰ KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 07 luật, 03 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 07 dự án luật khác; đồng thời, xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của một số cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Chia sẻ về đổi mới trong kỳ họp lần này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại báo cáo về việc tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã đưa ra đề xuất về 6 nhóm nội dung sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Theo thông lệ, nội dung đề xuất tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được công bố sau khai mạc kỳ họp, tuy nhiên, trong lần này, chúng ta đã thực hiện từ sớm. Đây là một trong những điểm mới tại Kỳ họp này.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành quy định rõ, sau khi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, 6 nhóm vấn đề chất vấn sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lựa chọn ra 5 nhóm vấn đề; tiếp đó xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các Đoàn ĐBQH để chọn ra 4 nhóm vấn đề đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu rõ, việc chuẩn bị sớm các nội dung chất vấn sẽ tạo điều kiện cho đại biểu, các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sâu hơn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội nói riêng và hiệu lực, hiệu quả kỳ họp của Quốc hội nói chung.

Quan tâm đến nhóm nội dung đầu tiên được Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất (thuộc lĩnh vực nội vụ), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, nội dung về nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế)... cũng là một vấn đề đang được đại biểu, cử tri quan tâm.

Theo đại biểu, về tổng thể, công chức, viên chức xin thôi việc là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động có tay nghề cao, có năng lực và trách nhiệm, giỏi chuyên môn. Tương tự, người lao động cũng có quyền lựa chọn, tìm kiếm việc làm có lương cao, môi trường và điều kiện làm việc tốt, phù hợp với nghề nghiệp, năng lực, sở trường của mình. Nhưng, tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc tăng nhanh trong thời gian gần đây rất cần được quan tâm, vì trong đó có những người có bề dày công tác, năng lực chuyên môn cao - là một nguồn lực quý đối với khu vực Nhà nước. Khi những công chức, viên chức này rời khỏi khu vực Nhà nước ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, cũng như với cả hệ thống. Đại biểu cho rằng, việc đưa nội dung này để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 là rất xác đáng.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam kỳ vọng rằng qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, sẽ làm rõ được nguyên nhân, giải pháp tình trạng công chức viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực vị trí địa bàn đông dân cư chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế)...

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kỳ vọng, những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội sẽ góp phần đảm bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục đáp ứng yêu cầu dạy - học, giải quyết những vấn đề khó khăn bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách...) nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Theo đại biểu, cần xem xét chính sách đối với cán bộ, công chức, đối với bộ máy cũng như chất lượng của đội ngũ sao cho tinh gọn, mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Muốn đạt được điều đó phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính… và phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác.

Chia sẻ về nội dung kỳ họp, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, tất cả các dự án Luật đưa ra trong chương trình Kỳ họp đều là những dự án Luật hết sức quan trọng. Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đại biểu cho rằng, đây đều là những dự án luật quan trọng và liên quan đến đời sống nhân dân, an sinh xã hội, tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục kỳ vọng kỳ họp này Quốc hội sẽ đưa ra được những quyết sách thúc đẩy phát triển và phục hồi kinh tế một cách sớm nhất, chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho năm 2023 trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường.

Cho rằng một vấn đề đặc biệt quan trọng trong kỳ họp lần này là xem xét quyết định công tác nhân sự, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh, nhân sự là công tác rất quan trọng vì vị trí Quốc hội quyết định như trưởng ngành y tế, giao thông, kiểm toán Nhà nước đều rất quan trọng, cốt yếu thuộc các lĩnh vực, các ngành cử tri và nhân dân đang kỳ vọng, cần thiết có sự ổn định để đóng góp vào sự phát triển chung.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng kỳ vọng lần cho ý kiến này đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ được những bất cập, hạn chế hiện nay đang mắc phải trong quá trình triển khai luật đất đai hiện hành, giải quyết những vấn đề rất nóng và bức xúc trong nhân dân.

Minh Hùng