THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN, THI HÀNH PHÁP LUẬT

18/10/2022

Kỳ họp thứ 4 sắp diễn ra nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước, đặc biệt với công tác xây dựng pháp luật. Cho ý kiến về công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu rõ, cần tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế hiệu có để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật.

Kỳ họp thứ 4 sắp diễn ra nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước, đặc biệt với công tác xây dựng pháp luật. Theo dự kiến Chương trình, tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.


Kỳ họp Quốc hội là nơi công tác lập pháp được thực hiện một cách sôi nổi, khẩn trương, trách nhiệm

Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về 07 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Cho ý kiến về công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá, công tác này đã đạt được một số kết quả khả quan, đáng ghi nhận, cụ thể, đã thể chế hóa một cách kịp thời, quyết đoán, sáng tạo, phù hợp thực tiễn các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh; quyết liệt rà soát, khắc phục những vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật để tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn”, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển, biến thách thức thành cơ hội cho phát triển. Bên cạnh đó, công tác lập pháp được đổi mới theo hướng chủ động, linh hoạt với phương châm Quốc hội hành động, xây dựng thể chế, pháp luật để phục vụ phát triển; việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thi hành pháp luật được tăng cường

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp luật cũng còn có những hạn chế nhất định. Các chuyên gia cho rằng, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu tính ổn định, tính dự báo chưa cao nên tần suất sửa đổi tương đối cao; việc cho phép một luật sửa nhiều luật tuy giúp nâng cao tính thống nhất nhưng đôi khi tạo khó khăn cho quá trình theo dõi, giám sát và thi hành pháp luật; việc tiến hành sửa đổi, bổ sung quá thường xuyên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định của chính sách, gây khó khăn trong quá trình triển khai thi hành.

Các đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng

Trong một số lĩnh vực cụ thể vẫn có những chế định chưa thực sự đầy đủ, chưa được cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan. Các văn bản pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh bất động sản… còn chưa thật đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận một cách bình đẳng, minh bạch các nguồn lực về đất đai; các văn bản pháp luật về thuế chưa bảo đảm cân đối, hài hòa giữa mục tiêu động viên nguồn lực tài chính vào ngân sách nhà nước với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân; pháp luật về y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo hiểm, việc làm chưa được hoàn thiện đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế…

Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng nêu rõ, tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của một số quy định chưa cao; chưa khắc phục được triệt để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật; một số quy định bất cập, gây kìm hãm, cản trở sự phát triển nhưng chậm được nghiên cứu sửa đổi, tháo gỡ; một số quy định chưa chặt chẽ, dẫn đến cách hiểu và áp dụng thiếu thống nhất; chưa có những đột phá trong chuyển đổi kinh tế, trong ứng dụng, phát huy hiệu quả các mô hình kinh doanh mới trong kỷ nguyên công nghệ số, ví dụ như còn lúng túng trong quản lý các mô hình kinh tế chia sẻ (uber, grab), xây dựng, vận hành các mô hình thử nghiệm (sandbox)…

Một số quy định chưa được chuẩn bị, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chưa có thời gian tuyên truyền, phổ biến đầy đủ để người dân nắm bắt, hiểu thống nhất trước khi thực hiện, dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán, còn có nhiều ý kiến khác nhau; một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời; một số văn bản quy định về chính sách hỗ trợ không quy định rõ đối tượng thụ hưởng nên gây khó khăn cho việc triển khai.

Cùng với đó, quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật có lúc chưa được tuân thủ triệt để; việc gửi hồ sơ dự án luật trong nhiều trường hợp chưa bảo đảm tiến độ về thời gian; cơ chế lấy ý kiến còn chưa thực sự bảo đảm hiệu quả, thực chất; cơ chế phản hồi, tiếp thu ý kiến đóng góp chưa hợp lý nên chưa động viên, khuyến khích được sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; một số cơ quan của Quốc hội chưa kiên quyết trong việc thể hiện rõ chính kiến đối với các dự án chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng; thời gian dành cho việc nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp đối với các dự thảo văn bản còn hạn chế...

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết chưa tuân thủ đầy đủ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc chuẩn bị và trình đồng thời dự thảo văn bản quy định chi tiết với hồ sơ dự án luật còn hình thức; một số địa phương có vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.

Theo các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, hiệu quả của công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa cao: Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm thoả đáng, không ít trường hợp chưa thực sự kịp thời và chưa “trúng” những “điểm nghẽn” về pháp luật; việc phát hiện, xử lý một số văn bản trái pháp luật chưa kịp thời; việc khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong hệ thống pháp luật sau rà soát còn chậm, chưa đạt được kết quả rõ nét.

Ngoài ra, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ quản lý đất nước. Năng lực dự báo, cơ sở dữ liệu còn hạn chế, chưa theo kịp với diễn biến thực tế; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu. Những điều này dẫn đến việc nghiên cứu, đề xuất và thông qua chính sách, quá trình tổ chức thi hành pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Một số lĩnh vực phân cấp mạnh nhưng thiếu kiểm tra, kiểm soát nên chưa phát huy được hiệu quả.

Minh Hùng