HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

05/10/2022

Tại Kỳ họp thứ 4 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với nhiều dự án Luật quan trọng, trong đó có dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Nhằm cung cấp thêm thông tin khoa học dưới góc độ nghiên cứu cũng như triển khai kế hoạch hợp tác quốc tế năm 2022, sáng 05/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”.

THÔNG BÁO TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ  Công thương; đại diện Viện Fes tại Việt Nam; Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; đại diện các Trường Đại học, Học viện,…

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi thành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những bất cập, hạn chế sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi.

Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội 

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề vô cùng quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong những nội dung hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng. Ở Việt Nam, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bắt đầu được quan tâm từ những năm 90 của thế kỷ 20 và đánh dấu bằng sự ra dời của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/4/1999.

Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Theo các đại biểu, đây là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành; đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để tham gia.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào nhiều nội dung trọng tâm của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;… Bên cạnh đó, hội  thảo cũng đã nghe báo cáo chia sẻ về thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Đức.

Trên cơ sở phân tích 09 nội dung sửa đổi, bổ sung mới dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến,… các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý, kiến nghị cụ thể đối với các điều, khoản tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

TS.Nguyễn Ngọc Quyên, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội, để tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định một số nội dung mới như: Bỏ quy định về giải quyết yêu cầu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện; Bổ sung quy định về việc cho phép lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trực tiếp hoặc trực tuyến trong trường hợp pháp luật có quy định; Hoàn thiện quy định về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng đề nghị quy dịnh sửa đổi, bổ sung đối với Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự;…

Ths.Tống Đức Duy, chuyên viên Vụ I, Văn phòng Chính phủ 

Cho ý kiến về nội dung này, Ths.Tống Đức Duy, chuyên viên Vụ I, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy dịnh rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý tại địa phương. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đánh giá dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này, Ths. Tống Đức Duy kiến nghị, sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được ban hành, Chính phủ sẽ ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn và triển khai Luật. Việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) thay thế Nghị định 99/2011/NĐ-CP phải đúng tiến độ, phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật để bảo đảm phát huy được vai trò của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và các quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh nói riêng.

Cần quy định chặt chẽ về bảo vệ thông tin người tiêu dùng

Góp ý tại hội thảo, TS.Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị, cần xác định và quy định rõ mối quan hệ và thứ tự ưu tiên áp dụng các quy định về nghĩa vụ/trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi các quy định này tồn tại trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

TS.Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

Theo TS.Nguyễn Văn Cương việc chỉ vận dụng quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để xử lý trong trường hợp này chưa thực sự thỏa đáng. Các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nên coi là các quy định mang tính chuyên ngành, được ưu tiên áp dụng so với các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân nói chung.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật nên có giải thích chính thức “thông tin của người tiêu dùng” gồm những thông tin gì;  giải thích thuật ngữ “thông tin cá nhân của người tiêu dùng” để bảo đảm tính nhất quán trong cách hiểu;…

Để bảo vệ hiệu quả thông tin của người tiêu dùng, các đại biểu cũng đề nghị, cần quy định biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các quy định về biện pháp chế tài dân sự và hình sự cũng cần được quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu còn đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra;…

Một số hình ảnh tại Hội thảo khoa học:

Hội thảo khoa học quốc tế về “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”

 PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo

 

Ông Axel Blaschke, Trưởng Đại diện Viện FES tại Việt Nam

Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”

TS.Nguyễn Ngọc Quyên, Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý về quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Ths.Tống Đức Duy, chuyên viên Vụ I, Văn phòng Chính phủ đưa ra nhiều góp ý liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

TS.Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị, cần xác định và quy định rõ mối quan hệ và thứ tự ưu tiên áp dụng các quy định về nghĩa vụ/trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng khi các quy định này tồn tại trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”

PGS.TS Nguyễn Văn Quang - Lãnh đạo Phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

 PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh và PGS.TS Nguyễn Thị Nga đồng chủ trì Hội thảo

 PGS.TS Trần Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng Dân sự, Đại học Luật Hà Nội góp ý vào quy định giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, các nhân kinh doanh

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”./.

Lê Anh - Phạm Thắng