THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM

21/09/2022

Tham gia đóng góp ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, ở Việt Nam, tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, song hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên thị trường trong thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Do đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn nữa để phát huy vai trò của bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng thuật Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững

Tiềm năng thị trường bảo hiểm chưa được khai thác hết

Đóng góp ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022, TS.Nguyễn Thị Chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng nhiều chuyên gia cho rằng cho rằng, ở Việt Nam, tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, song hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên thị trường trong thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Tiềm năng thị trường chưa được khai thác hết. Thực tế những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm ở Việt Nam mới chỉ kinh doanh theo kiểu hớt váng, chưa đi vào chiều sâu, tiềm năng của thị trường chưa được khai thác hết. Cho đến nay, hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm còn bỏ ngỏ những bộ phận thị trường rất lớn như thị trường bảo hiểm sức khỏe, thị trường bảo hiểm xe cơ giới, thị trường bảo hiểm xây dựng - lắp đặt, thị trường bảo hiểm nhà tư nhân,…

Theo TS.Nguyễn Thị Chính, công tác phòng tránh rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm còn bất cập. Tuy các doanh nghiệp bảo hiểm đã có nhiều nỗ lực nhằm khai thác dịch vụ mới, song chưa quan tâm đầy đủ tới hoạt động đánh giá rủi ro, chưa chú ý tới công tác phòng ngừa và hạn chế tổn thất. Tình trạng trục lợi bảo hiểm vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản,… Nhiều nghiệp vụ, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tỷ lệ bồi thường, trả tiền bảo hiểm cao; nhiều vụ tổn thất lớn vẫn xảy ra làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã góp phần đáng kể vào việc sớm hình thành thị trường vốn ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam còn đơn điệu, các hình thức đầu tư còn chưa đa dạng, tập trung chủ yếu vào những công cụ đầu tư có tính thanh khoản cao như gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, đầu tư vào trái phiếu, … để đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi trả thường xuyên.

Do còn thiếu những văn bản pháp lý và chưa có những người thực sự giám sát, vì vậy hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh vẫn diễn ra như tình trạng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng các giải pháp cạnh tranh phi truyền thống: giảm phí bảo hiểm, cắt hoa hồng cho khách hàng, ... Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh không chỉ gây ra hậu quả xấu cho các doanh nghiệp bảo hiểm, không đảm bảo chất lượng dịch vụ mà còn gây ra tâm lý e ngại cho khách hàng, hạn chế sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm vì lợi ích chung của toàn thị trường còn rất hạn chế. Đối với một số nghiệp vụ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ký được thoả thuận hợp tác, nhưng không thực hiện được, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững thị trường bảo hiểm

Để khắc phục những vấn đề hạn chế nêu trên, nhằm đảm bảo cho thị trường bảo hiểm ở Việt Nam phát triển bền vững, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới, đồng thời để bảo hiểm ngày càng phát huy vai trò kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Thị Chính cùng nhiều chuyên gia cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng cường khả năng tài chính bằng cách tăng thêm vốn điều lệ hoặc sáp nhập với các doanh nghiệp khác. Có như vậy năng lực bảo hiểm mới được nâng cao, tạo điều kiện mở rộng thị trường, tăng mức giữ lại ở thị trường trong nước, đảm bảo cung cấp vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, những nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm cần được phát huy hơn nữa, không chỉ tập trung vào việc đa dạng hoá sản phẩm, thiết lập kênh phân phối, đào tạo rèn luyện kỹ năng khai thác,… mà còn cần phải chú ý tới hoạt động ứng dụng công nghệ 4.0; quan tâm công tác đánh giá rủi ro, đề phòng hạn chế. Làm được điều này, doanh nghiệp bảo hiểm mới tiếp cận được mô hình quản trị hiện đại; hoạt động bảo hiểm mới thực sự thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc đảm bảo an toàn xã hội.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Thứ ba, để ngăn chặn chiều hướng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách giảm phí, các doanh nghiệp bảo hiểm cần hợp tác chặt chẽ và phối hợp với nhau trong khai thác bảo hiểm thông qua Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Như vậy mới duy trì được tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm một cách ổn định, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của cả người bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm.

Thứ tư, khi thực hiện nghiệp vụ nhượng tái, các doanh nghiệp bảo hiểm cần chú trọng vào khả năng tài chính và năng lực bảo hiểm của các doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm hơn là giá cả; còn khi thực hiện nhận tái, cần chú ý tới chất lượng dịch vụ bảo hiểm thông qua việc yêu cầu cung cấp thông tin; đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm cần phối hợp với các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước (VINARE, PVI Re) có biện pháp kiểm soát và tư vấn cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong các nghiệp vụ nhượng và nhận tái bảo hiểm. Đây được coi là phương thức tốt nhất nhằm đảm bảo sự an toàn về tài chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thứ năm, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã được Quốc hội ban hành ngày 16 tháng 06 năm 2022; Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện theo nghị định của Chính phủ một cách cụ thể, chi tiết. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác khai thác, mở rộng thị trường, chủ động trong kinh doanh bảo hiểm và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Minh Hùng

Các bài viết khác