Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
Tại Phiên họp thứ 15 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành Thông báo số 1431/TB-TTKQH về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ trong năm qua đã quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn với đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, an sinh xã hội của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động hội nhập quốc tế. Chính phủ cũng đã nghiêm túc thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị Báo cáo có chất lượng, đúng thời hạn, nội dung cơ bản đáp ứng theo yêu cầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra sơ bộ do Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị nội dung bảo đảm chất lượng, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2022, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục các hạn chế, bất cập.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung như: tiếp tục xác định việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, người đứng đầu từng cơ quan được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập pháp, xây dựng dự án phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Coi trọng công tác thể chế hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội. Khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nợ đọng và phấn đấu khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó xác định rõ vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế, tổ chức bộ máy pháp chế; quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương. Quan tâm tổ chức tốt Ngày pháp luật Việt Nam 09/11, bảo đảm ý nghĩa, thiết thực, động viên đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong toàn xã hội, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tập trung thực hiện tốt công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 để thảo luận chung nội dung này trong các nội dung về kinh tế - xã hội và báo cáo công tác khác của Chính phủ; đồng thời gửi Ủy ban Pháp luật để thẩm tra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra chính thức Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Chính phủ và các cơ quan chủ động phối hợp bảo đảm thời hạn gửi văn bản, tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định.