ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

14/09/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, sáng 14/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành Phiên họp.

Giám sát thực hành, tiết kiệm chống lãng phí: Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học sau khi triển khai không có sản phẩm

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đã có báo cáo đầy đủ kết quả giám sát chuyên đề.


Toàn cảnh Phiên họp.

Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát; xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo chuyên đề giám sát. Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Để chuẩn bị tài liệu làm việc, giám sát tại Bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát đã thành lập các Tổ công tác khảo sát, làm việc, chuẩn bị các báo cáo đánh giá kết quả làm việc bước đầu với các bộ, ngành, địa phương.

Các Bộ, ngành, địa phương đã gửi đủ các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Quá trình giám sát, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu. Tuy nhiên, do phạm vi, quy mô giám sát chuyên đề rộng, khoảng thời gian dài (2016-2021); hệ thống thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức, nên mặc dù rất nỗ lực, nhưng sau nhiều lần bổ sung báo cáo thông tin, số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát, chưa lượng hóa được nhiều số liệu tiết kiệm, thất thoát, lãng phí. Nhiều thông tin, số liệu báo cáo chưa chính xác, còn mâu thuẫn trong từng báo cáo và giữa các Bộ, ngành quản lý ngành, lĩnh vực với thông tin kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra và thông tin của các bộ, ngành, các địa phương. Hạn chế này đã gây nên những khó khăn nhất định cho việc tổng hợp, nhận định, đánh giá của Đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát luôn nhận được sự quan tâm quan tâm chỉ đạo sâu sát, có ý kiến định hướng ban đầu và cả quá trình về mục tiêu, phạm vi giám sát chuyên đề, nội dung trọng tâm, trọng điểm, phương pháp giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Lãnh đạo Quốc hội đã dành thời gian tham dự một số cuộc làm việc với Đoàn giám sát và một số Bộ, địa phương và có ý kiến cụ thể để các Bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thông tin báo cáo. Các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tổ chức đóng góp ý kiến cho nội dung của Báo cáo giám sát.


 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương. Các cơ quan phối hợp (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ) và các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp vừa có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành mình, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của các đối tượng thuộc lĩnh vực được phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước cho cả giai đoạn 2016-2021 phục vụ chuyên đề giám sát. Các cơ quan truyền thông đã bám sát các hoạt động của Đoàn và phản ánh kịp thời các thông tin liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoạt động của Đoàn giám sát đến cử tri.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường, kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Qua công tác giám sát đã giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm hơn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát và giám sát chuyên đề của Quốc hội đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế này.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục phản ánh nội dung Phiên họp./.

Bích Lan-Nghĩa Đức