NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CỦA 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

07/09/2022

Thông tin về dự kiến Kế hoạch giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, mục đích giám sát là nhằm tăng cường việc tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành thông tin tại Phiên họp thứ Nhất của Đoàn giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia

Thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, mục đích giám sát nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc phân công trách nhiệm chủ trì phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đoàn giám sát sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường việc tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, làm cơ sở tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rút kinh nghiệm cho việc thực hiện các giải pháp của giai đoạn tiếp theo, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm.

Nội dung giám sát tập trung vào việc xây dựng, ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương về cơ chế, chính sách, hướng dẫn, tổ chức thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia theo các nghị quyết của Quốc hội; việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Đối tượng giám sát gồm Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan;  Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 51 tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Phiên họp thứ Nhất của Đoàn giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia

Phạm vi giám sát gồm việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước...

Căn cứ vào tiến độ thực hiện các hoạt động, Đoàn giám sát sẽ quyết định tổ chức các phiên họp để triển khai thực hiện các nội dung công việc để công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát; Nghị quyết danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát; Quyết định thành lập Tổ giúp việc Đoàn giám sát của Quốc hội; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát (Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); quán triệt, thống nhất các nhiệm vụ của Đoàn giám sát; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát (Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức hội nghị của Đoàn giám sát, Tổ giúp việc với cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai hoạt động của Đoàn giám sát; tổng hợp báo cáo kết quả giám sát; thảo luận, cho ý kiến và thông qua dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự kiến kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ cho ý kiến (bằng văn bản) về Kế hoạch giám sát; Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát (Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), phục vụ Hội nghị Triển khai hoạt động giám sát năm 2023 của Quốc hội trước ngày 20/9/2022. Tiếp theo, Đoàn giám sát sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Dự thảo kế hoạch và các đề cương báo cáo giám sát dự kiến vào tháng 10/2022; Đoàn giám sát dự kiến tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện Kế hoạch chi tiết, trình Trưởng Đoàn giám sát ký ban hành. Tổng Thư ký Quốc hội phát hành văn bản yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo theo Đề cương đã được duyệt trước ngày 30/11/2022.

Trên cơ sở Đề cương báo cáo của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, Đoàn giám sát đề nghị Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ tổ chức kiểm toán, thanh tra việc thực các Chương trình mục tiêu quốc gia của một số bộ, ngành, địa phương.  Đoàn giám sát có yêu cầu cụ thể về nội dung, hình thức và thời hạn tham gia vào hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về tổ chức thực hiện, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và các cơ quan khác của Quốc hội trong việc tổng hợp chung báo cáo kết quả giám sát chuyên đề; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan khác của Quốc hội trong việc tham mưu nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của chuyên đề giám sát.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan tạo điều kiện để đại diện Cơ quan là thành viên Đoàn giám sát tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát và thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Trưởng đoàn giám sát; phối hợp tham gia ý kiến về những nội dung theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn phụ trách, cử đại diện tham gia các hoạt động theo yêu cầu của Trưởng Đoàn giám sát, tham gia các hoạt động phối hợp khác của Đoàn giám sát. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội chủ trì tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát về chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm các hoạt động của Đoàn giám sát.

Theo Kế hoạch, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề tại địa phương, gửi báo cáo đến Đoàn giám sát và chịu trách nhiệm trước Đoàn giám sát về kết quả giám sát; cử đại diện tham gia, phối hợp với Đoàn giám sát khi tổ chức giám sát, làm việc tại địa phương. Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; xây dựng báo cáo theo đề cương và cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin, số liệu theo yêu cầu./.

Thu Phương