Chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trên cơ sở đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022
Thông báo kết luận của Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đồng thời, đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tiếp tục phải bảo đảm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng về xây dựng gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, bảo đảm tính khả thi đối với đối tượng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp
Về bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc, bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” và một số nội dung khác đã được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động, tính khả thi của quy định; đồng thời bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời nghiên cứu, rà soát và hiệu chỉnh về kỹ thuật lập pháp các quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, về các biện pháp tuyên truyền, thông tin, truyền thông, giáo dục ở địa bàn dân cư.
Lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật, đặc biệt một số nội dung đó là: Hành vi bạo lực gia đình, thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”, cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình v.v…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, lấy ý kiến Chính phủ, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4.