CẦN GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ CHO TUYẾN BUÝT NHANH BRT Ở HÀ NỘI, NẾU KHÔNG BỨC XÚC SẼ CHỒNG BỨC XÚC

23/08/2022

Đánh giá hiệu quả tuyến xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội cần xem xét nguồn lực bỏ ra và kết quả thu về... là ý kiến của thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 diễn ra ngày 22/8.

Cần giải pháp hiệu quả cho tuyến xe buýt nhanh BRT, nếu không bức xúc sẽ chồng bức xúc.

Tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa với tổng chiều dài 14km, đi qua những tuyến đường có mật độ phương tiện cao bậc nhất Hà Nội như: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Quang Trung, Lê Trọng Tấn… Sau gần 6 năm vận hành, khai thác, tuyến buýt nhanh BRT 01 của Hà Nội không chỉ bộc lộ hàng loạt sai phạm, lãng phí, mà hiệu quả khai thác chỉ như buýt thường.

Trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với UBND thành phố Hà Nội, một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị thành phố đánh giá rõ về hiệu quả của tuyến buýt nhanh BTR này.

Giải trình về triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT, ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội cho biết, đây là dự án thí điểm lần đầu được triển khai tại Hà Nội và cả nước. Sau 5 năm đi vào hoạt động, loại hình buýt nhanh BRT đã đem lại những kết quả nhất định. Trên cơ sở số liệu khảo sát, thống kê 5 năm qua cho thấy, tổng lượng hành khách vận chuyển hàng năm bình quân tăng 6,3% (Năm 2017 đạt 4,9 triệu lượt, năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt). Số khách bình quân/lượt đạt 40,1 hành khách/lượt/năm 2017; năm 2018 đạt 42,6 hành khách/lượt/năm 2018, bình quân tăng 6,2%. Sản lượng hành khách đi bằng vé tháng tương đối ổn định và tăng đều, cao hơn so với các tuyến buýt khác, doanh thu của tuyến xe buýt nhanh cũng ở mức cao trong toàn mạng lưới xe buýt của thành phố. Đây là một trong những tuyến buýt có mức trợ giá từ ngân sách nhà nước thấp nhất và chất lượng dịch vụ hàng năm đều được nâng cao.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội Trần Hữu Bảo.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội Trần Hữu Bảo cho rằng, hiện nay trên tuyến đường có làn buýt BRT có mật độ, lưu lượng phương tiện rất lớn, vào giờ cao điểm nếu không có làn BRT sẽ xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực hiện sự chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải đang khảo sát, đề xuất phương án tổ chức lại giao thông trên tuyến BRT, đảm bảo vừa ưu tiên, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm lưu lượng phương tiện cá nhân. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu đề xuất cho xe buýt thường đi chung làn BRT và bố trí dải phân cách cứng trước các nút giao thông theo chiều xe chạy giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT; Tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT...

Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội phản ánh cử tri rất quan tâm đến hiệu quả của các Dự án xe buýt nhanh BRT. Trong báo cáo của thành phố Hà Nội gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định, việc triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT thành công cả về doanh thu và các chỉ số khác cao. Tuy nhiên, theo đại biểu, để đánh giá hiệu quả cần xem xét nguồn lực bỏ ra và kết quả thu về.

Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, tổng lượng hành khách vận chuyển đạt 5,5 triệu lượt người vào năm 2019, tuy nhiên đại biểu nêu con số thống kê độc lập, lưu lượng người di chuyển trên phố Lê Văn Lương là trên 176 ngàn/ngày, như vậy tính cả năm, số người di chuyển trên tuyến đường này lên tới 55 triệu. Trong khi đó, tuyến xe buýt nhanh BRT chỉ đảm nhận được 1/10 lượng khách di chuyển trên tuyến đường Lê Văn Lương. Điều này cho thấy, chúng ta đã huy động, sử dụng không hiệu quả tuyến xe buýt này. Chưa kể, trong giờ cao điểm, việc dành một phần đường cho tuyến xe buýt nhanh đã khiến nhiều người dân bức xúc, vì vậy, cơ quan chức năng thành phố cần đánh giá lại hiệu quả của dự án xe buýt nhanh BRT.

Đại biểu Vũ Huy Khánh, Ủy ban Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Đại biểu Vũ Huy Khánh, Ủy ban Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội quan tâm tới các giải pháp thành phố Hà Nội nêu trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT. Theo đó, thành phố Hà Nội nêu 10 hướng xử lý đối với tuyến xe buýt nhanh BRT, nhưng theo đại biểu Vũ Huy Khánh, những giải pháp này không khả thi. Điển hình như đề xuất nghiên cứu đưa các phương tiện khác vào vận hành hoặc mở điểm trông giữ xe tại các trạm lên xuống của hành khách… không khả thi, đại biểu đặt câu hỏi liệu thành phố đã nghiên cứu, khảo sát các phương án được đề xuất đã hợp lý hay chưa?. Việc cho phép một số phương tiện khác vào phần đường này thì tốc độ xe buýt nhanh sẽ giảm xuống, không còn ý nghĩa là tuyến xe buýt nhanh.

“Nếu để nguyên hiện trạng khai thác thì ai cũng thấy lãng phí, nếu có đánh giá, khảo sát độc lập chắc chắn lãng phí lớn hơn. Vì vậy, với 10 giải pháp mà thành phố Hà Nội nêu ra chưa hiệu quả, cần có sự đánh giá cụ thể, đủ sức thuyết phục và cần giải pháp giải quyết nếu không bức xúc sẽ chồng bức xúc”, đại biểu Vũ Huy Khánh nêu quan điểm.

Còn đại biểu Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, khẳng định xe buýt nhanh BRT là dự án được triển khai thí điểm, vì vậy cần có đánh giá hiệu quả thực tế, hiệu quả của dự án căn cứ vào mục tiêu, chỉ tiêu khi xây dựng dự án, có cần tiếp tục thực hiện dự án hay không?

Nhiều sai phạm, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước tại dự án xe buýt nhanh BRT.

Dự án BRT01 không hiệu quả cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước, tiền thuế của Nhân dân.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư dự án xe buýt nhanh BRT chưa đồng bộ, chưa tạo ra lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ người khuyết tật.

Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng, chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có, nhưng chưa đạt tốc độ theo yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên những tuyến đường có BRT thường xuyên ách tắc trong giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT, thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội có rất nhiều sai phạm, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư dự án xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội có nhiều sai phạm, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, chủ đầu tư dự án và đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường nhựa, thành mặt đường bê tông xi măng tại một số tuyến đường, gây lãng phí 15 tỉ đồng Ngân sách Nhà nước.

Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội còn vi phạm trong công tác đấu thầu. Tại gói thầu 04, chủ đầu tư đã thực hiện chưa đúng thủ tục theo hướng dẫn của Ngân hàng thế giới (WB) như không lập dự toán nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp ráp trong nước; hoặc lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C. Như vậy, không có căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.

Đặc biệt, dự án Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT còn sai phạm tài chính ở các gói thầu kiểm tra, tổng số tiền sai phạm là 43,57 tỉ đồng. Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.Hà Nội rút kinh nghiệm và có những biện pháp khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác tuyến BRT.

Thông tin về kết quả kiểm toán tại dự án xe buýt nhanh BRT tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, việc xác định phương án tuyến xe buýt nhanh BRT ban đầu chưa phù hợp nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, điều chỉnh; chưa phân tích, đánh giá hiện trạng giao thông trên tuyến và chưa dự báo được lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến. Thực tế, lưu lượng giao thông trên tuyến xe buýt nhanh BRT rất lớn, có nhiều điểm giao cắt, nguy cơ ùn tắc cao, khó bố trí làn đi riêng cho BRT; khó đưa ra các giải pháp giảm tình trạng xung đột tại các nút giao cắt, quay đầu. Quá trình thực hiện các hạng mục, gói thầu còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện; hầu hết các gói thầu điều chỉnh, bổ sung dự toán nhiều lần, không đảm bảo hoàn thành toàn bộ gói thầu trước thời hạn nên không đáp ứng các tiêu chuẩn của xe buýt nhanh BRT và khó đạt mục tiêu đề ra góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ gia tăng tình trạng ùn tắc./.

Lan Hương

Các bài viết khác