Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
03 vấn đề lớn xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội đánh giá là một dự án luật khó, có phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm chú ý của đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri cũng như toàn xã hội. Do đó, ngay từ đầu, các cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì soạn thảo cũng phối hợp rất tích cực.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 6 Chương, 79 Điều. Như vậy, so với dự thảo đã trình Quốc hội thảo luận, dự thảo Luật lần này giảm một chương và tăng lên 5 điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, so với dự thảo Quốc hội đã thảo luận, dự thảo lần này chỉnh lý 77 Điều. Có thể nói, dự án Luật đã tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu Quốc hội và các ý kiến mới lấy bổ sung, đồng thời bổ sung làm rõ vai trò nòng cốt của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức công đoàn, đoàn thể xã hội khác trong bảo đảm nhân dân thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự cho ý kiến về 03 vấn đề lớn như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; xác định chủ thể và cách thức tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia bàn, quyết định các nội dung ở thôn, tổ dân phố; Ban Thanh tra nhân dân để tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp
Bổ sung thêm quyền thụ hưởng của Nhân dân
Cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan hữu quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng dự án Luật lần này. Về bố cục, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế theo đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với khu vực doanh nghiệp, Bộ Luật lao động điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, còn Luật này điều chỉnh người lao động với tư cách là công dân để đảm bảo quyền làm chủ của công dân. Do đó, phạm vi điều chỉnh theo ý kiến của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra là hoàn toàn phù hợp, đúng với mục tiêu điều chỉnh và không có mâu thuẫn với Bộ Luật lao động. Đối với nội dung liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân, tương tự như phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân không chỉ có giá trị trong khu vực địa bàn dân cư mà còn có giá trị đối với địa bàn người lao động. Bởi, đây là cơ chế của công dân, khi quy định như vậy không những không có mâu thuẫn mà còn hỗ trợ thêm cho cơ chế trong Bộ Luật lao động. Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Ban Thanh tra nhân dân nên thành lập tại cả đơn vị doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp,…
Ngoài ra, về quy định quyền thụ hưởng của Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét có nên bổ sung thêm một khoản của điều này về việc người dân, công dân được cung cấp thông tin; được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, nhất là vấn đề về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Trung ương và địa phương. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, mức độ phát triển kinh tế-xã hội ngày càng tăng, ngoài chế độ chính sách chung của Trung ương nhiều địa phương có thêm một số chính sách khác cao hơn mức Trung ương quy định. Do đó, quy định như vậy để người dân thấy được thành tựu phát triển của đất nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã đưa nội dung về dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp vào dự án Luật với 02 Chương. Theo đó, Chương III quy định về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị và Chương IV thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị cần làm rõ hơn khi nào thì áp dụng quy định tại Chương III và khi nào áp dụng quy định tại Chương IV. Bởi, trong cơ quan, đơn vị cũng có cơ quan, đơn vị có tư cách là người sử dụng lao động; cũng có người lao động với tư cách là người lao động trong quan hệ lao động. Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội nêu rõ, trong dự thảo Luật chưa có quy định phân định cụ thể đối tượng áp dụng các quy định này. Mặt khác, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cũng cho biết, khái niệm người sử dụng lao động không phải là chỉ có tập thể, tổ chức, theo Bộ luật lao động, người sử dụng lao động còn có thể là cá nhân, cá nhân thuê mướn sử dụng lao động và có thể là hộ gia đình. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho rằng cần làm rõ việc người lao động được cá nhân thuê mướn, hộ gia đình thuê mướn có được thực hiện dân chủ ở cơ sở hay không.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, về một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực bày tỏ tán thành với phương án trình của Uỷ ban Pháp luật. Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Luật sử dụng thuật ngữ “đại diện hộ gia đình” là phù hợp. Bởi “cử tri” thì liên quan đến bầu cử, liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng thể hiện được vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cơ sở Pháp lệnh 34 /2007/PL-UBTVQH11 có 3 nội dung “dân biết, dân bàn, dân quyết định trực tiếp”, như vậy trong dự thảo Luật lần này có mở rộng hơn. Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng đây là tiền đề rất quan trọng để thể chế hoá tinh thần của Đại hội XIII.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp
Dự án Luật đảm bảo đầy đủ, chi tiết và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung trong Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Đồng thời đánh giá cao Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan trong thời gian ngắn đã tiếp thu, giải trình đầy đủ, cơ bản, chi tiết các nội dung đại biểu Quốc hội nêu và tổ chức lấy ý kiến của nhiều cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Nhân dân để tiếp thu, giải trình. Hồ sơ đảm bảo đầy đủ, chi tiết và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung dự thảo Luật đã được thiết kế, sửa đổi, chỉnh lý gồm 79 điều, thống nhất về kết cấu, bố cục và các nội dung cụ thể của các chương, mục, điều, khoản. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, dự thảo Luật đã đáp ứng các yêu cầu, mục đích, chính sách đặt ra, thể chế hóa được chủ trương Đại hội XIII của Đảng về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” một cách cụ thể, chi tiết, dễ hiểu so với dự án Luật mà Quốc hội đã thảo luận.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật này có thiết kế một chương riêng điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động như phương án mà các cơ quan đã trình. Về xác định chủ thể và cách thức tổ chức Nhân dân tham gia bàn, quyết định những nội dung quan trọng ở tổ dân phố, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng, đại diện hộ gia đình, tỷ lệ đồng thuận 2/3, 50% trong những trường hợp như báo cáo. Về Ban thanh tra nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động để tạo thống nhất, bình đẳng. Đề nghị các cơ quan phối hợp rà soát thêm về nội dung hỗ trợ kinh phí cho Ban thanh tra nhân dân nhằm bảo đảm tính khả thi và không xung đột với các luật khác, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời làm rõ hơn vấn đề liên quan đến đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có sử dụng lao động ở nơi mà không có tổ chức công đoàn.
Về nội dung người dân thụ hưởng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tuy nhiên đề nghị tiếp tục nghiên cứu các nội dung người dân được thụ hưởng có thể bổ sung được. Trong đó có nội dung người dân được thông tin về mức hỗ trợ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Trung ương, địa phương để người dân biết và thụ hưởng theo các chính sách và các nội dung khác có thể bổ sung để làm dày dặn hơn nội dung này.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét có nên bổ sung thêm một khoản của điều này về việc người dân, công dân được cung cấp thông tin; được yêu cầu cung cấp thông tin về chế độ, chính sách liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, nhất là vấn đề về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Trung ương và địa phương
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đóng góp ý kiến tại về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu nêu
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến tại phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung trong Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Dự thảo Luật đã đáp ứng các yêu cầu, mục đích, chính sách đặt ra, thể chế hóa được chủ trương Đại hội XIII của Đảng về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” một cách cụ thể, chi tiết, dễ hiểu so với dự án Luật mà Quốc hội đã thảo luận