XÁC ĐỊNH RÕ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2022 CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

30/07/2022

Tại cuộc làm việc của Ủy ban Xã hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã được xác định rõ để tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện.

Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng “lõi nghèo”


Toàn cảnh cuộc làm việc của Ủy ban Xã hội với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Làm rõ phương hướng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, mục tiêu đặt ra của Chương trình là tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế thực hiện Chương trình. Cụ thể, cần xây dựng văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025; các văn bản thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan như: Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, cần hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai dự toán ngân sách 5 năm và năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng hợp đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ vốn năm 2023 thực hiện Chương trình.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ, cần tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, vận động, huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, trong đó, tập trung vào phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; hiệu quả thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo; xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình; hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Tham mưu Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2022, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết, về tổ chức thực hiện Chương trình, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một số nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2022 là: Chiến lược giảm nghèo chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào "vùng lõi nghèo" là các huyện nghèo và đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân. Đối với địa bàn huyện nghèo, từng bước thực hiện mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tạo động lực phát triển địa bàn nghèo trên cơ sở tập trung, lồng ghép nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; trọng tâm lấy phát triển kinh tế vùng, địa phương để giảm nghèo bền vững thông qua triển khai các dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

Đối với hộ nghèo, cần thực hiện đổi mới phương thức hỗ trợ riêng lẻ từng hộ sang hỗ trợ tập trung thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư); hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, hiện vật, tài sản hoặc tiền; từng bước xóa bỏ chính sách cho không; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nội lực vươn lên thoát nghèo. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Thêm vào đó, cần hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững; hướng dẫn địa phương xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Đối với công tác tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu rõ cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau  để không bị chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Đối với hộ nghèo không còn khả năng lao động, cần hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo này từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động xã hội hóa.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về giảm nghèo từ trung ương đến cơ sở, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, cần thí điểm và nhân rộng ứng dụng phần mềm trong rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng phần mềm giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Nâng cấp website giảm nghèo nhằm cung cấp thông tin các hoạt động về lĩnh vực giảm nghèo; thực hiện tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về giảm nghèo; thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo làm căn cứ hoạch định và tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo. Xây dựng hệ thống tài liệu điện tử về giảm nghèo hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở truyền thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới nhân dân và các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở; kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Về nâng cao năng lực và kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh cần tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp về chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025; quy trình, công cụ, phần mềm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; quy trình, công cụ, phần mềm giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; nội dung, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào tình hình phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách địa phương; về hiệu quả thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo; xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình. Hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý chương trình.

Ngoài ra, về huy động nguồn lực, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 để huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo và an sinh xã hội. Huy động một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để triển khai hỗ trợ thí điểm và nhân rộng một số mô hình giảm nghèo hiệu quả tại một số địa bàn nghèo có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện công tác giảm nghèo.

Hồ Hương

Các bài viết khác