BẢO ĐẢM XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT KHÁCH QUAN, CHẤT LƯỢNG, KHÔNG LỢI ÍCH CỤC BỘ

25/07/2022

Hoàn thiện thể chế, phòng, chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách, pháp luật là đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước. Quan tâm vấn đề này, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng những quy định về hoạt động kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức tham gia vào hoạt động lập pháp đã bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động lập pháp để phòng, chống lợi ích nhóm, phòng, chống tham nhũng từ hoạch định chính sách.

Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế - là một trong những đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích: “Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Quan tâm đến vấn đề này, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng, để nhận diện lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, cần tinh tường xem xét dưới khía cạnh mục đích chung hay lợi ích riêng. Theo đó, 3 khía cạnh cần xem xét là: Mục đích chính sách đó nhắm vào đối tượng nào; Nội dung, quy định của các văn bản pháp luật quy định như thế nào, thuận lợi cho đối tượng nào; Khi triển khai sử dụng công cụ pháp lý ấy thì mang đến kết quả cho ai, từ đó nhận ra lợi ích nhóm trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Dưới tác động của “nhóm lợi ích”, chính sách bị biến dạng, méo mó. Thiếu liêm chính trong quá trình xây dựng luật, sẽ tạo ra những dự án luật nhiều bất cập như: chồng chéo với các dự án luật trước đó; xung đột với lợi ích của nhân dân và vòng đời của luật rất ngắn, dẫn đến Quốc hội và Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế.

Chia sẻ về việc bảo đảm khách quan, minh bạch trong xây dựng chính sách, pháp luật, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc nhận diện những nhóm lợi ích này rất phức tạp, đòi hỏi những cơ quan xây dựng, thẩm định phải có một thái độ hết sức khách quan, đặc biệt trong thẩm định các dự án luật. Đồng thời, phải có đánh giá tác động đối với các nhóm xã hội khác nhau, đảm bảo tính trung lập của các điều luật.

Đánh giá về thực trạng quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật được thực hiện chủ yếu thông qua quy trình được  quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trong tất cả các quy trình ban hành chính sách, các quy trình quyết định, thực hiện các công việc của Nhà nước, thì quy trình lập pháp là quy trình được quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và phức tạp nhất, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hoạt động lập pháp. Điều này xuất phát từ tính chất và tầm quan trọng của hoạt động lập pháp đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cũng như bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo đó, quy trình lập pháp bao gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn bắt buộc phải tuân thủ, mỗi giai đoạn có tính chất độc lập tương đối (từ lập chương trình xây dựng pháp luật; soạn thảo; thẩm tra; trình Quốc hội xem xét, thông qua), với nhiều chủ thể tham gia, bảo đảm quyền của các chủ thể tham gia không bị sự tác động, sự chi phối tiêu cực của các chủ thể khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết, để bảo đảm việc xây dựng chính sách, pháp luật được khách quan, có chất lượng, không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, thể hiện được ý chí, nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân, của đất nước, pháp luật về quy trình xây dựng chính sách, pháp luật đã rất chú trọng tới các yêu cầu và nội dung như: Bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong các bước thực hiện quy trình, qua đó tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, mọi người dân đều có thể giám sát được hoạt động này; Quy định rõ về thẩm quyền ban hành văn bản, vấn đề ủy quyền lập pháp, qua đó loại trừ việc lạm quyền, tùy tiện trong ban hành văn bản; Quy định trách nhiệm tham gia của các cơ quan trong quá trình soạn thảo; việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của dự án. Việc huy động sự tham gia và lấy ý kiến rộng rãi về dự án luật như vậy sẽ bảo đảm cho các chính sách được xây dựng trong dự án luật khách quan, toàn diện, có chất lượng, không có lợi ích nhóm.

Thêm vào đó, những yêu cầu, nội dung quan trọng còn được đặt ra trong về quy trình xây dựng chính sách, pháp luật là: Quy định trách nhiệm tổng kết thực tiễn; việc đánh giá tác động chính sách; đánh giá thủ tục hành chính nhằm bảo đảm cho các chính sách minh bạch, rõ ràng, phù hợp thực tiễn, có tính khả thi, thủ tục hành chính thuận tiện, đơn giản... nhằm loại trừ lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi chính sách; Quy định nội dung thẩm định, thẩm tra nhằm bảo đảm kiểm soát được chính sách trong dự án luật. Quy định chặt chẽ thủ tục thẩm tra để bảo đảm tất cả các ý kiến thành viên ủy ban thẩm tra phải được thể hiện trong báo cáo thẩm tra; quy định sự tham gia thẩm tra của các ủy ban đối với các vấn đề có liên quan. Những quy định này nhằm bảo đảm cho dự án luật được xem xét, kiểm tra, đánh giá đa chiều, qua đó loại bỏ việc “cài cắm” lợi ích cục bộ…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, quy trình xây dựng chính sách, pháp luật phải quy định việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến đại biểu Quốc hội; việc phối hợp giữa các cơ quan và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tiếp thu, chỉnh lý dự án. Quy định cơ quan trình dự án có quyền được báo cáo trước Quốc hội nếu không đồng ý với nội dung chỉnh lý. Những quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan, khoa học trong việc tiếp thu dự án, tránh việc áp đặt ý kiến một chiều của các cơ quan của Quốc hội; quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội; sự giám sát của báo chí, của nhân dân đối với hoạt động lập pháp; quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho đại biểu Quốc hội hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng, không phụ thuộc, chịu sự chi phối của cơ quan khác trong hoạt động lập pháp thì Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội đã có các quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần đại biểu; cơ chế đãi ngộ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu.

Bên cạnh các quy định của pháp luật, trong Đảng cũng có các quy định nhằm bảo đảm kiểm soát hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật: Thẩm quyền của Đảng cho ý kiến về chiến lược, định hướng xây dựng pháp luật; Bộ Chính trị cho ý kiến với các nội dung lớn, quan trọng của dự án luật; thông qua lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân sự trong cơ quan lập pháp; thông qua các thủ tục kiểm tra hoạt động của Đảng đoàn, các ban cán sự có liên quan tới hoạt động lập pháp (ví dụ, các cơ quan của Đảng đã kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sai sót trong ban hành Bộ luật Hình sự...).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, những quy định nêu trên về hoạt động kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức tham gia mỗi công đoạn của hoạt động lập pháp; về hoạt động giám sát của nhân dân, của báo chí; về hoạt động kiểm  tra, giám sát của Đảng đối với các cơ quan nhà nước đã bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động lập pháp để phòng, chống lợi ích nhóm, phòng, chống tham nhũng từ hoạch định chính sách.

Minh Hùng