GIẢM THUẾ XĂNG, DẦU, ĐẢM BẢO TỐC ĐỘ PHỤC HỒI VÀ TĂNG TRƯỞNG CỦA NỀN KINH TẾ

10/07/2022

Ngày 06/7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng quyết sách này là linh hoạt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đồng thời kiến nghị cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để kìm đà tăng giá xăng, dầu, giảm áp lực lạm phát, đảm bảo tốc độ phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Tại cuộc họp bất thường ngày 06/7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu như đề nghị của Chính phủ và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 11/7.

Cho ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu. Theo Chủ tịch Quốc hội, xăng dầu là một loại vật tư chiến lược, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất. Do đó, quản lý giá xăng dầu theo quy định trong luật Giá, nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của nhà nước, và xăng dầu nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn giá. Trong trường hợp giá cả xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng dầu.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường do Chính phủ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua rất đáng hoan nghênh, giúp giá xăng giảm được 1.000 đồng/lít, dầu giảm 500 đồng/lít từ sau ngày 11/7 tới. Tuy nhiên, mức giảm này còn thấp so với tốc độ và mức tăng giá xăng dầu hiện nay.

Tâm đắc với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đó là gợi ý rất xác đáng trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp cực kỳ khó khăn vì giá cả tăng, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… trong vòng xoáy tăng giá. Giá xăng dầu tăng mạnh từ tháng 3 đến nay khiến hàng hóa đội giá, người dân giảm chi tiêu, tiết kiệm hơn, doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất. Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, nếu không giảm mạnh giá xăng dầu, để giá neo ở mức cao, thuế thu từ xăng dầu có thể tăng, nhưng ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới do nền kinh tế bị thu hẹp, hoặc không được mở rộng như kỳ vọng. Ngoài ra, về vĩ mô, giảm mạnh giá xăng dầu sẽ giúp giảm áp lực lạm phát, tác động đến nền kinh tế.

Cùng chia sẻ quan điểm, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã đề nghị cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng do quy định áp thuế này trên xăng đã lạc hậu, không còn tính thời sự, bối cảnh. Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, trước đây, một trong những lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt trên xăng là vì đây là mặt hàng chỉ dùng cho các thiết bị như ôtô, xe gắn máy thuộc sở hữu của những người có thu nhập cao trong xã hội. Tuy nhiên, đến nay việc duy trì thuế này trên xăng không còn hợp lý, do vậy, nên bỏ loại thuế này thay vì chỉ giảm thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường kỳ này, chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay khoảng 0,16%, chi phí của doanh nghiệp vận tải sẽ giảm tương đương khoảng 5%. Nếu giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng, chi phí vận tải giảm khoảng 10%, tác động đến nền kinh tế sẽ rõ rệt hơn. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc giảm các loại thuế để kìm đà tăng giá xăng, dầu cần được khẩn trương thực hiện để đảm bảo tốc độ phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Chuyên gia kinh tế - TS.Vũ Đình Ánh

Bày tỏ đồng tình với quyết định giảm ngay thuế bảo vệ môi trường trong kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 11/7, chuyên gia kinh tế - TS.Vũ Đình Ánh cho rằng cần phải tính toán sau mức giảm đó nền kinh tế được tác động như thế nào? Đã đạt được mục tiêu kéo giá nhiên liệu để kìm hãm lạm phát hay chưa? Theo TS.Vũ Đình Ánh, nếu bỏ toàn bộ các khoản thu ngân sách từ xăng dầu hiện nay, chưa kể thuế chồng thuế, giá mặt hàng nhiên liệu này có thể giảm khoảng 30%, trở về mức hơn 20.000 đồng/lít thay vì 33.000 đồng/lít như hiện nay.

Mặc dù vậy, TS.Vũ Đình Ánh lưu ý cần tính toán nếu cắt giảm toàn bộ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường bán lẻ xăng dầu, giảm nguồn thu ngân sách bao nhiêu, ảnh hưởng ra sao tới chi ngân sách, có thể bù lại bằng khoản nào hay không… Tất cả phải được đặt trong bài toán chung, dựa trên mục tiêu lớn nhất là giảm giá xăng dầu để kiềm chế lạm phát, từ đó quyết định tiếp tục cắt giảm bao nhiêu thì phù hợp với quy mô nền kinh tế hiện nay. Đặc biệt, phần giảm tiếp có thể chia đều vào từng khoản thuế, thay vì chỉ chăm chăm đề xuất cắt hết thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế giá trị gia tăng, thế nhập khẩu…

Tham gia ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh giảm thuế xăng dầu được nhiều hơn mất. Chính phủ nên mở rộng chính sách hỗ trợ thuế và phí cho các mặt hàng đang có giá cả tăng cao, đặc biệt những hàng hóa có vai trò là nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như xăng dầu.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, giảm thuế, chấp nhận nguồn thu ngân sách trước mắt có thể giảm xuống, song đổi lại chúng ta sẽ có được sự ổn định nguồn thu trong trung hạn. Vì khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trở lại, thị trường và chuỗi sản xuất thông suốt thì nguồn thu thuế theo đó sẽ tăng lên. Theo đó, PGS.TS Phạm Thế Anh đề xuất loại thuế cần phải bỏ hẳn đi là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế cần giảm là thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Minh Hùng