TỔ CÔNG TÁC ĐOÀN GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ KHẢO SÁT TẠI NINH BÌNH

06/07/2022

Ngày 06/7, Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội đã có buổi khảo sát tại tỉnh Ninh Bình, một trong 15 địa phương được lựa chọn thực hiện giám sát chuyên đề về lĩnh vực này.

Nông Trường chăn nuôi Phùng Thượng và Cảng cạn ICD Phúc Lộc là 2 địa điểm được Tổ công tác lựa chọn để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng nguồn lực đất đai tại địa phương.

Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai, khiếu nại nếu không kịp thời rà soát, kê khai việc sử dụng đất sau cổ phần hóa

Công ty Cổ phần Giống bò thịt sữa Yên Phú tiền thân là Nông trường chăn nuôi Phùng Thượng được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 21/7/1972. Sau nhiều lần sắp xếp, chuyển đổi, ngày 28/12/2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 3666/QĐ-BNN-ĐMDN cổ phần hóa Công ty giống bò thịt, sữa Yên Phú, đổi tên thành Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú, Nhà nước giữ cổ phần chi phối (51%). Đến năm 2013, Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam thoái toàn bộ vốn tại công ty này.

Tổ Công tác khảo sát tại Công ty Cổ phần giống bò thịt sữa Yên Phú (tiền thân là Nông trường chăn nuôi Phùng Thượng)

Theo Kết luận số 465 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Ninh Bình, Công ty Giống bò thịt sữa Yên Phú được chuyển đổi sang Công ty Cổ phần từ thời điểm tháng 01/2006, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã được giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân từ năm 2004 trở về trước. Tuy nhiên, sau khi Cổ phần hóa, UBND tỉnh Ninh Bình cùng cơ quan chức năng đã không kịp thời tiến hành rà soát, kê khai việc sử dụng đất, xác định ranh giới, mốc giới, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết của Công ty; không xác định diện tích đất công ty được tiếp tục giữ lại để chuyển sang hình thức cho thuê đất, không thu hồi các diện tích đất công ty không còn nhu cầu sử dụng theo quy định của Nghị định 170/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/9/2004 về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường Quốc doanh, Luật đất đai 2003, nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đât là nguyên nhân chính dẫn đến việc không quản lý được đất đai có nguồn gốc từ Nông trường Yên Phú.

Tình trạng lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái phép diễn biến phức tạp. Hiện vẫn còn khoảng 304 ha đất nông nghiệp, do hơn 400 hộ dân nhận giao khoán trước đây sử dụng, mặc dù đã hết hạn giao khoán từ 2015, nhưng không hợp tác để ký hợp đồng giao khoán mới hoặc bàn giao lại đất cho công ty. Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp đất đai, khiếu nại khi nhà nước thu hồi đất.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND huyện Nho Quan, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú phối hợp giải quyết đứt điểm tình trạng hơn 400 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất của Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú nhưng không ký hợp đồng giao khoán mới hoặc bàn giao đất cho công ty quản lý sử dụng.

Tại buổi khảo sát, Tổ công tác đã ghi nhận những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thu hồi đất từ các hộ dân hết hợp đồng giao khoán. Theo đó, hiện Công ty này đang vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục để ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tiếp tục đầu tư các hạng mục khác phục vụ sản xuất; và xác định nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất 241,02 ha đã giao cho Công ty quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Lương Minh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống bò thịt, sữa Yên Phú cho biết: “Các hộ dân được nhận khoán đều có hợp đồng và thời hạn kết thúc từ 2015. Nhưng khi Công ty cần đất để phát triển sản xuất theo định hướng của Công ty, thì các hộ dân ở đây đòi đền bù đất. Tiền hoa màu trên đất thì công ty cũng có thể cố làm được, nhưng còn tiền đền bù đất thì chúng tôi rất lăn tăn. Đất đang được nhà nước cho chúng tôi thuê sử dụng, giờ đền bù đất cho chính đất của mình được giao cho thuê thì không phù hợp. Hơn 400 hộ dân nếu tính ra là một khoản tiền lớn mà Công ty không thể chi trả”.

Cảng cạn ICD chưa phát huy hết tiềm năng vì hạ tầng chưa đáp ứng tàu có trọng tải lớn ra, vào.

Trong khi đó, tổ khảo sát ở cảng cạn ICD Phúc Lộc Ninh Bình cho thấy mặc dù được đánh giá là “cánh tay nối dài”, san sẻ áp lực, giúp cảng sông, biển gia tăng tốc độ giải phóng hàng hóa nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu tính kết nối. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cảng cạn chưa phát huy tốt nhất tiềm năng vốn có.

Tổ công tác làm việc tại Cảng cạn ICD Phúc Lộc, Ninh Bình

Dự án tổ hợp dịch vụ hàng hóa xuất nhập khẩu và Cảng thủy Phúc Lộc là dự án được đầu tư đồng bộ, đã được Bộ Giao thông vận tải công bố mở cảng cạn ICD Phúc Lộc tại Quyết định số 584/QĐ-BGTVT ngày 11/02/2015. Diện tích thực hiện dự án là hơn 31 ha. Tổng vốn đầu tư là 1.274 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư Dự án Cảng khô là 912 tỷ đồng, diện tích sử dụng là 28 ha. Đến hết năm 2021, giá trị vốn đã thực hiện Dự án Cảng khô ICD là hơn 800 tỷ đồng, đạt 88% giá trị vốn đầu tư đã đăng ký.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, công ty Cổ phần Phúc Lộc vẫn đang trong quá trình đầu tư vừa khai thác nên sản lượng chưa đạt được theo thiết kế của dự án, đồng thời lượng khách thực hiện các thủ tục thông qua cảng vẫn ít, chưa có khách hàng có sản lượng lớn về hàng hóa thực hiện các thủ tục tại cảng. Trong khi đó, luồng tuyến sông Đáy hiện tại chưa đáp ứng cho những tàu có trọng tải lớn ra vào để thực hiện việc bốc xếp hàng hóa.

Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng phòng Đầu tư, Công ty Cổ phần Phúc Lộc cho biết: “Chủ đầu tư đã xây dựng 6 nhà chứa hàng, đã xây dựng 5 nhà, toàn bộ công trình cũng đảm bảo xếp dỡ, nhưng do trong quá trình hoạt động, do lượng hàng hóa qua cảng hạn chế, nên chưa sử dụng hết. Chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng các nhà còn lại”.

Tổ công tác cũng trao đổi làm rõ về diện tích cụ thể các Dự án, hiện trạng giao đất, thuê đất, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quản lý, sử dụng đất trong thời gian tới.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp cũng đề nghị UBND Tỉnh Ninh Bình có biện pháp cải tạo, nạo vét long sông để tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu có trọng tải lớn ra vào, thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng.

Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng đã trao đổi, thông tin thêm về tình hình thực hiện các Dự án, quan điểm thu hút đầu tư, phát triển chiến lược của tỉnh trong thời gian tới là chú trọng vào du lịch - dịch vụ, công nghiệp sạch, công nghệ cao. Chính vì vậy, Dự án Cảng khô ICD Phúc Lộc và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với du lịch sẽ được ưu tiên đầu tư nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vừng, đặc biệt là tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Mong muốn, qua buổi làm việc, Tổ công tác nắm bắt và hiểu cụ thể về tình hình quản lý, sử dụng đất, cũng như mục tiêu của dự án. Từ đó chia sẻ, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ, giải quyết hiệu quả, phù hợp với thực tế cơ sở.

Cũng trong chiều ngày 06/7, Tổ công tác cũng có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đoàn đã ghi nhận, tổng hợp các vấn đề vướng mắc tại địa phương bám sát theo nội dung của Luật Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, nhất là các nội dung về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn./.

Thanh Nga - Ngọc Tuấn