Toàn cảnh Hội thảo
Thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, cần thiết
Từ thiện nhân đạo hiện nay không chỉ là vấn đề phát sinh ở một quốc gia đơn lẻ mà có tính toàn cầu. Hoạt động từ thiện nhân đạo được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã góp phần phát huy bản chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam với chủ trương “lá lành đùm lá rách” trong xã hội. Về bản chất, hoạt động này phát sinh một cách tự nguyện, không ép buộc, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của cá nhân từng người, từng cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động từ thiện, cứu trợ để giúp đỡ những người, nhóm người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội như người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh,….
Hoạt động từ thiện, cứu trợ về bản chất là hoạt động nhân đạo, thông thường được trienr khai nhanh, kịp thời, đúng đối tượng để xử lý các vấn đề mang tính “khẩn cấp”. Cho đến nay, bên cạnh các chương trình lớn của Nhà nước thông qua các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,… trong đó tổ chức, cơ quan nói trên đóng vai trò lĩnh xướng chủ đạo thực hiện thì đa số các hoạt động từ thiện là do các tổ hcuwcs, hội đoàn xã hội, tôn giáo hoặc các cá nhân xã hội chứ chưa được tổ chức có tính hệ thống, toàn diện để hỗ trợ cho mọi đối tượng cần trợ giúp.
Hoạt động từ thiện đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Tuy vậy, vì chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cần thiết nên thực tế đã dẫn đến hiện tượng tiêu cực, bất cập như: lãng phí nguồn lực, mang nặng tính hình thức, lòng tin của nhà hảo tâm bị lợi dụng, hoạt động từ thiện bị bóp méo, sai bản chất,…
Phát biểu tại hội thảo, TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp lý chuyên biệt nào điều chỉnh hoạt động này, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo còn rất mờ nhạt, chưa rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn được quy định rải rác trong nhiều văn bản luật, văn bản dưới luật gây cản trở cho hoạt dộng mang tính nhân đạo này.
Xét ở một khía cạnh khác cho thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhiều sự cố nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào và bất cứ đâu, … đòi hỏi sự cứu trợ khẩn cấp thì hoạt động cứu trợ nhân danh nhà nước hay cá nhân cũng đòi hỏi được tiến hành kịp thời, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang có xu hương “sống tựa vào nhau”. TS.Lê Hải Đường nhấn mạnh, thực tế đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo trong bối cảnh hiện nay.
Pháp điểm hóa quy định về từ thiện nhân đạo
Qua thảo luận, đa số ý kiến chuyên gia thống nhất sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo. Theo TS.Bùi Thị Ngọc Mai - Học viện Hành chính Quốc gia, pháp luật về từ thiện nhân đạo có vai trò rất quan trọng đối với các chủ thể trong hệ thống chính trị nhằm điều tiết hoạt động từ thiện nhân đạo đúng hướng, hiệu lực,hiệu quả; đồng thời, có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của lĩnh vực từ thiện nhân đạo nhằm taoj ra nhiều giá trị tốt đẹp, nhân văn cho xã hội và con người. Do đó, hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo là vấn đề cấp thiết.
Đồng quan điểm, TS.Phạm Thị Tính - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra trong hoạt động từ thiện và nhiều vấn đề khác làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của hoạt động từ thiện cũng như lợi ích của những người làm từ thiện và nhận từ thiện, nhà nước cần phải có những quy định để quản lý và bảo vệ hoạt động này bằng các thiết chế chặt chẽ để bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động từ thiện.
Chia sẻ góc nhìn khác, TS.Bùi Thị Thanh Thúy - Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, các quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, anh, Trung Quốc,… đã ban hành pháp luật về từ thiện với những tên gọi khác nhau như Luật Các tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ, Luật Từ thiện (Charities Act 2011) của Anh, Luật Từ thiện của Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc… “Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật về từ thiện nhân đạo chưa được pháp điển hóa mà mới chỉ rải rác trong các văn bản pháp lý có hiệu lực khác nhau. Vì vậy, rất cần thiết có một văn bản pháp lý thống nhất tầm luật hoặc pháp lệnh để điều chỉnh một lĩnh vực xã hội khá phức tạp và nhạy cảm này” - TS.Bùi Thị Thanh Thúy nhấn mạnh.
Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo
Đảm bảo công khai, hiệu quả, có kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động từ thiện
Chia sẻ tại hội thảo về quy định pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, TS.Trần Thị Hải Yến - Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, pháp luật về từ thiện nhân đạo có truyền thống lịch sử lâu đời, xuất phát từ nước Anh từ thế kỷ XVII, vào năm 1601 với tên gọi là “Đạo luật của Elizabeth”. Các quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc,… đã ban hành pháp luật về từ thiện với những tên gọi khác nhau như Luật Các tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ, Luật Tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ, Luật Từ thiện của Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc…
Theo TS.Trần Thị Hải Yến, các quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo của các quốc gia trên thế giới đã tạo ra khung khổ pháp lý cho các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện như điều kiện thành lập các tổ chức từ thiện, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động từ thiện, trách nhiệm giải trình của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động từ thiện…
Đưa ra khuyến nghị, TS.Trần Thị Hải Yến cho rằng, Việt Nam cũng như các quốc gia phát triển trên thế giới cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về từ thiện nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, có sự kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động từ thiện. Từ đó, Nhà nước ta xây dựng các quy định pháp luật nhằm khuyến khích hoạt động từ thiện phát triển không những mang ý nghĩa là hoạt động cứu trợ theo nghĩa hẹp mà còn mang ý nghĩa là hoạt động nhằm phát triển con người, vì sự phát triển lâu dài, bền vững của hoạt động từ thiện.
TS.Trần Thị Hải Yến, Học viện Hành chính Quốc gia
Cùng quan điểm, TS.Dương Thị Hà - Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động từ thiện nhân đạo ở một số quốc gia tiêu biểu như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh có thể thấy, để hoạt động từ thiện nhân đạo được thực hiện minh bạch, hiệu quả, tạo niềm tin cho các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia vào quá trình thiện nguyện, thì các quốc gia này đã xây dựng được một khung pháp lý đủ rộng, quy định hết sức chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào hoạt động này.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia tập trung làm rõ cơ sở lý luận, quan điểm về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt dộng từ thiện nhân đạo; hệ thống hóa các quy định pháp luật, xác định bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành và thực tiễn tổ chức và hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã phân tích làm rõ thực trạng quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo trong các văn bản pháp luật hiện nay; quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo ở một số quốc gia./.