THỰC HIỆN NGHIÊM BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC CHÂU ĐỐC - CẦN THƠ - SÓC TRĂNG

16/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai quản lý, giám sát nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

 

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án, một số ý kiến cho rằng thời gian thực hiện, cơ chế đặc biệt còn ngắn, đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Có ý kiến cần có cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ như khai thác mỏ nguyên vật liệu, tránh ảnh hưởng lớn đến thiên thiên, môi trường và người dân. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trong Nghị quyết về trách nhiệm các địa phương có đường cao tốc đi qua cần phải giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật.

Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, do đó được áp dụng các cơ chế đặc biệt theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2002/QH15, trong đó có cơ chế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc áp dụng các cơ chế này trong thời gian 2 năm 2022, 2023 là phù hợp, bảo đảm chặt chẽ và thống nhất giữa các dự án có sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai quản lý, giám sát nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng năng lực của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thi công đường cao tốc, do đó cần có giải pháp để khắc phục. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát năng lực thực hiện các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý và các địa phương cam kết khả năng triển khai thực hiện. Trường hợp không bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, các địa phương cần phải thuê các đơn vị tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện nội dung này tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò của Bộ Giao thông vận tải trong việc phối hợp với các địa phương khi tham gia đầu tư vào các dự án thành phần, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và tiến độ hoàn thành Dự án. Có ý kiến đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp trung ương để giám sát việc triển khai, thực hiện Dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành sẽ là cơ quan chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương chủ quản đầu tư; tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác đối với các dự án thành phần là đường cao tốc. Để bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm với thành phần bao gồm các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ năng lực và số lượng của các đơn vị thi công đường cao tốc trên cả nước để làm rõ nguồn lực có thể bố trí được cho Dự án nhằm làm rõ tính khả thi trong việc triển khai Dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 344 nhà thầu có Chứng chỉ năng lực thi công công trình giao thông hạng I là những nhà thầu đáp ứng năng lực thi công các dự án cao tốc. Hiện nay, riêng các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (654km) và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km) có khoảng 48 nhà thầu đang tham gia thi công; theo tiến độ yêu cầu các dự án trên phải hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2022 và 2023. Do đó, với lực lượng nhà thầu nêu trên có khả năng thực hiện các dự án đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong bước triển khai Dự án cần chỉ đạo nghiên cứu phân chia giá trị gói thầu xây lắp một cách hợp lý để có thể huy động toàn bộ các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia thi công các dự án.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về báo cáo định kỳ và giám sát của các cơ quan của Quốc hội để bảo đảm việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt cũng như tiến độ và chất lượng của dự án; đề nghị bổ sung nội dung tổ chức Đoàn giám sát 6 tháng một lần việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt, tiến độ và chất lượng của Dự án; đề nghị bổ sung nội dung thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát ngay từ đầu và hằng năm có báo cáo trước Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, theo quy định của khoản 8 Điều 79 Luật Đầu tư công, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Như vậy, Luật Đầu tư công đã có quy định yêu cầu Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia, tuy nhiên, do tính chất quan trọng của dự án này, trong dự thảo Nghị quyết đã có quy định yêu cầu Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án tại điểm b khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đã giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Quy định như vậy là đầy đủ cơ sở để các cơ quan có thể giám sát việc thực hiện Dự án theo quy định pháp luật có liên quan. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Minh Hùng