NGHIÊN CỨU, HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ VỀ XỬ LÝ NỢ XẤU VÀ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

08/06/2022

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, công tác xử lý nợ xấu còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định tại Nghị quyết số 42. Cụ thể, về thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm, Điều 7 Nghị quyết số 42 quy định “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm…”. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (vì tại thời điểm hợp đồng được ký kết thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP không quy định nội dung này). Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định trên, các tổ chức tín dụng phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ. Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác, vì vậy, các tổ chức tín dụng rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm theo Điều 7 Nghị quyết số 42.

Bên cạnh đó, về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, hiện nay, quy định tại Nghị quyết số 42 chỉ áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng với khách hàng vay. Trong khi đó, các tranh chấp của các khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hầu hết là các tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, việc không quy định thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp về hợp đồng tín dụng gây rất nhiều khó khăn, hạn chế cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trên là do việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Tuy nhiên, kinh tế quốc tế, kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đã làm suy giảm khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu gia tăng, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Toàn cảnh cuộc họp

Nghị quyết 42 là Nghị quyết mang tính thí điểm các chính sách mới trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Nhiều quy định trong Nghị quyết 42 mang tính đặc thù nhằm giải quyết, khắc phục các khó khăn, bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật có liên quan. Ngoài ra, các quy định trong Nghị quyết 42 liên quan đến chức năng quản lý của nhiều bộ ngành, đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực từ nhiều cơ quan. Vì vậy, trong quá trình áp dụng không tránh khỏi những lúng túng, chưa thống nhất.

Cùng với đó, khách hàng, bên bảo đảm thường không có ý thực tự giác trả nợ khi đến hạn, không bàn giao tài sản bảo đảm, chống đối, chây ỳ, trốn tránh việc trả nợ, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra Tòa làm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm. Nhiều trường hợp tài sản bảo đảm đã được thu giữ theo Nghị quyết số 42 và bán đấu giá thành công theo đúng quy định nhưng chủ tài sản khiếu nại, khởi kiện dẫn đến phải xử lý theo biện pháp tố tụng thông thường, gây mất thời gian, chi phí, nguồn lực cho việc xử lý.

Thắng thắn nhìn nhận vào những nguyên nhân chủ quan, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những tồn tại, hạn chế trên còn xuất phát từ việc một số chính quyền và công an địa phương nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm chưa tích cực hỗ trợ việc bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng. Nhiều địa phương, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn chưa biết đến Nghị quyết số 42, do đó, các chính quyền địa phương thường từ chối khi tổ chức tín dụng đề nghị phối hợp, bảo đảm an ninh, trật tự khi thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm. Đồng thời, một số chính quyền, công an địa phương có quan điểm Nghị quyết số 42 mới chỉ áp dụng thí điểm mà chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; do đó, dẫn đến việc thiếu tích cực khi phối hợp theo đề nghị của tổ chức tín dụng.

Thêm vào đó, còn có một số tổ chức tín dụng chưa thực sự tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42. Do cách hiểu, cách áp dụng chưa thống nhất giữa quy định của Nghị quyết số 42 với quy định của pháp luật chuyên ngành (pháp luật về thuế, phí), việc áp dụng một số quy định còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền (việc hoàn trả lại tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự), dẫn đến việc áp dụng đôi khi chưa thống nhất, hiệu quả thực thi chưa cao.

Đưa ra bài học kinh nghiệm để tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cần thống nhất cách hiểu, cách áp dụng của các bộ, ngành, địa phương đối với các quy định của Nghị quyết số 42. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông đến các địa phương, đặc biệt là vùng xa, nông thôn để các cơ quan, đơn vị biết, hiểu đúng, đầy đủ và áp dụng thống nhất các quy định của Nghị quyết số 42, tăng cường vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, nâng cao ý thức tự trả nợ của khách hàng.

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nêu rõ, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả, bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Minh Hùng