THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC LẬP QUY HOẠCH THỜI KỲ 2021 -2030

30/05/2022

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 3 Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

 

Lúng túng, vướng mắc trong triển khai lập quy hoạch

Theo quy định, Quy hoạch tổng thể Quốc gia sẽ làm căn cứ để các quy hoạch khác tham chiếu nhưng hiện mới chỉ có Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua và 4 quy hoạch ngành quốc gia gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển và quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Quy hoạch Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang được Chính phủ phê duyệt.

 Theo báo cáo của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, đa số các quy hoạch đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định. Hầu hết các địa phương đều cam kết phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022. Nhưng với thực trạng hiện nay, tiến độ này khó hoàn thành, nếu cố gắng theo tiến độ khó bảo đảm chất lượng các quy hoạch.

Tình trạng lúng túng, vướng mắc trong triển khai lập các quy hoạch được chỉ ra do công tác tổ chức thực hiện trong giai đoạn đầu chưa quyết liệt. Luật Quy hoạch lần đầu được ban hành trong bối cảnh thiếu kinh nghiệm, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế chỉ đáp ứng được một phần do sự khác biệt lớn về thể chế, mô hình quản lý giữa các quốc gia. Ngoài ra, Luật quy hoạch, các Luật liên quan còn một số bất cập, chưa rõ, chưa cụ thể hoặc còn cách hiểu Luật khác nhau, đặc biệt chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật như: Nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia; Khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ ràng về nội hàm, khó triển khai trong thực tiễn vì chưa thống nhất nhận thức; trình tự lập quy hoạch, việc lập quy hoạch được thực hiện từ trên xuống hay từ dưới lên...Từ đó, dẫn đến chậm tiến độ xây dựng các quy hoạch.

Kiến nghị áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn, đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025. Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.

Việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, một số quy hoạch mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ bất cập như: Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ mối quan hệ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng miền Đông Nam bộ; 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối của 05 phương thức vận tải và các dự án quan trọng quốc gia trong 4 quy hoạch này chưa phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 5 năm để gắn kết với các kế hoạch trung hạn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Theo đó, các giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Cụ thể: Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.

Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch./.

Lê Anh

Các bài viết khác