UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NỘI QUY KỲ HỌP (SỬA ĐỔI): CHỈ SỬA ĐỔI NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ CHÍN, ĐÃ RÕ, ĐƯỢC THỰC TIỄN CHỨNG MINH

12/05/2022

Tại phiên họp thứ 11, sáng 12/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, nhấn mạnh việc sửa đổi những nội dung đã chín, đã rõ và qua thực tiễn đã chứng minh và đề nghị tiếp tục hoàn thiện dự thảo để bảo đảm điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Tại phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung trao đổi về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị quyết với chủ trương, đường lối của Đảng, mục đích, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tính khả thi của các quy định trong dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); cho ý kiến cụ thể về việc tổ chức kỳ họp bất thường, tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, điều hành phiên họp, vai trò của chủ tọa và một số vấn đề khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh kỳ họp Quốc hội là một trong những phương thức quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả đặt ra nhiệm vụ cần rà soát các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nhất là tại kỳ họp Quốc hội. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi), Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện và trình.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nâng cao chất lượng hiệu quả kỳ họp sẽ liên quan việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị về mặt nội dung. Chuẩn bị nội dung lại liên quan đến là cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, đối tượng tác động. Cùng với đó là nâng cao chất lượng các quyết định tại kỳ họp. Chất lượng quyết định liên quan đến các yếu tố con người, các đại biểu Quốc hội; lực lượng phục vụ tiếp thu, giải trình; cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo phục vụ cho kỳ họp, nhất là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các công nghệ thông tin để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng hiệu quả kỳ họp. 

Liên quan đến quy trình thủ tục tại kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, quá trình đánh giá xem xét thấy cơ bản những quy định của nội quy vẫn đang phát huy tác dụng tốt. Thời gian vừa qua có một số cải tiến đổi mới và được nội quy hóa vào sửa đổi này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận cơ quan chủ trì soạn thảo đã công phu, nghiêm túc, tích cực chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề việc sửa đổi Nội quy kỳ họp lần này phải bảo đảm mở rộng dân chủ; tăng tính pháp quyền, kỷ luật, kỷ cương, tăng trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tiếp tục phát huy những cải tiến, đổi mới đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như việc Bộ trưởng hay trưởng ngành cơ quan chủ trì soạn thảo phải ngồi để lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể qua đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật hơn nhiều.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu các quy định để thể hiện được tính chuyên nghiệp,  hiện đại, chủ động và thích ứng, công khai và minh bạch để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, khắc phục được chuyện họp dài quá, mục tiêu làm thế nào rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng phải đảm bảo nâng cao chất lượng kỳ họp và hoạt động của Quốc hội nói chung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm chắc chắn, thuyết phục, đi vào những vấn đề căn cơ, bảo đảm hồ sơ dự án đủ điều kiện trình ra Quốc hội thảo luận đạt được đồng thuận và thống nhất cao.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nội quy kỳ họp lần này  là cơ hội để Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo, Văn phòng Quốc hội tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội khi đủ điều kiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xác định rõ yêu cầu của sản phẩm, đề án, cách thức, hiệu quả việc xin ý kiến, việc tổ chức tọa đàm, hội thảo; cách viết, lập luận dùng câu từ phải chính xác, dễ hiểu, viết ngắn, viết đúng, rõ của nội quy mang tính nội bộ của Quốc hội. Lập luận chặt chẽ, rõ ràng những vấn đề căn cơ, quy định về thời gian, cách thức thảo luận, tranh luận, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền. Việc đảm bảo mật, chia tổ, lưu hành, sử dụng tài liệu tại kỳ họp, trách nhiệm tiếp thu, giải trình của bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác xây dựng pháp luật và nhiều vấn đề cụ thể khác để giảm thời gian họp nhưng vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, về hồ sơ dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi), hồ sơ dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, tài liệu đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu cho chắc chắn để nghị quyết đáp ứng yêu cầu, nếu đủ điều kiện mới trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở nội quy Quốc hội khóa XIV cần nâng cấp lên, tiếp tục phát huy những vấn đề gì đã tốt trong nội quy và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung đã chín, đã rõ và qua thực tiễn đã chứng minh.

Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể và tăng cường vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể Quốc hội là không quá 7 phút và quy định một số tiêu chí để làm rõ trong trường hợp cần thiết, Chủ tọa phiên họp có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả thảo luận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quy định trách nhiệm trình và tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Nghị quyết về nhân sự; tán thành việc nội quy hóa thực tiễn thi hành việc giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ cũng cần xác định rõ vai trò của cơ quan chủ trì thẩm tra. Trong quy trình này bổ sung quy định đảm bảo bao quát các trường hợp tiếp thu, giải trình của các cơ quan trình dự án, dự thảo khác.

Trên cơ sở ý kiến của tại phiên họp, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trực tiếp tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), tiếp tục xin ý kiến thống nhất trong Đảng đoàn Quốc hội để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4; giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội thẩm tra chính thức dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị lưu ý một số nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi)

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận phiên họp

Bảo Yến - Nghĩa Đức