.jpg)
Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” do Ủy ban Xã hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, đề nghị về các vấn đề cụ thể như: bổ sung hành vi bạo lực gia đình áp dụng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay như hành vi lợi dụng phong tục, tập quán để ép kết hôn; áp dụng bổ sung hành vi bạo lực gia đình đối với trường hợp người có quan hệ nuôi dưỡng; đưa thêm nội dung tuyên truyền về việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo pháp luật…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ, bổ sung, sửa đổi một số khái niệm trong dự thảo Luật. Cụ thể, khái niệm “bạo lực gia đình” hiện nay tập trung nhiều vào mối quan hệ giữa chồng/vợ, chưa xác định rõ ràng trong mối quan hệ sống chung/đã ly hôn/tiêu hôn nhưng vẫn sống chung; chưa đề cập đến mối quan hệ liên thế hệ như con cái với cha mẹ, ông bà, những gia đình thay thế, cháu sống chung với người thân… Đặc biệt là lưu ý thêm hai đối tượng yếu thế người già, trẻ em.
Một số chuyên gia kiến nghị dự thảo Luật cần nêu rõ khái niệm “phòng, chống bạo lực gia đình” là biện pháp ở các mức độ khác nhau nhằm hạn chế, chấm dứt, ngăn chặn vấn đề bạo lực diễn ra trong gia đình; thể hiện tính chủ động của cấp chính quyền, địa phương, cá nhân, cơ quan, cộng đồng, dân cư, các thành viên khác trong gia đình. Quy định trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các hành vi thờ ơ, không khai báo, hạn chế việc đổ lỗi cho nạn nhân, không xử lý việc khai báo vụ việc mà tin tưởng việc nói “không có việc gì xảy ra” của người gây bạo lực. Thêm vào đó, cần đồng nhất và mở rộng các khái niệm và thuật ngữ gia đình, thành viên gia đình trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, đã từng là thành viên gia đình, đã từng có mối quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng.
.jpg)
TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội luật gia Việt Nam cùng một số chuyên gia cho biết, trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nói chung, việc thực hiện chế định về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình đã bộc lộ bất cập. Cụ thể, việc xác định mô hình cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với thực tiễn. Điều 26 Luật Phòng , chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định, cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm: Cơ sở khám, chữa bệnh; Cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã được hình thành do cá nhân, tổ chức sáng lập có tính tự quản, xã hội hóa cao nhưng chưa được quy định như câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, nhà tạm lánh, tổ tư vấn pháp luật cộng đồng…nhưng chưa được quy định cụ thể về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ,quy chế hoạt động
Các chuyên gia cũng chỉ rõ, luật hiện hành chưa quy định cụ thể chính sách huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các quy định về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Theo đó, trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều tổ chức xã hội và cá nhân đã tự nguyện tham gia hỗ trợ các nạn nhân bạo lực gia định như các tổ chức đoàn thể quần chúng, dòng họ, hội đồng hương, đồng môn, các cá nhân có uy tín trong cộng đồng, các nhà doanh nghiệp có điều kiện vật chất ủng hộ cho hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Luật Phòng , chống bạo lực gia đình năm 2007 chưa có quy định cụ thể về khuyến khích, động viên, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác này. Mặt khác, do không có quy định nên dẫn đến tình trạng hoạt động tự phát trong phòng chống bạo lực gia đình, thậm chí sẽ xảy ra hiện tượng tiêu cực như bao che hành vi bạo lực gia đình, tác động xấu đến tâm lý của nạn nhân bạo lực gia đình.
Đồng thời, luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn những người hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình trong các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình khác. Các chuyên gia cho rằng, đây là những quy định hết sức cần thiết để xây dựng đội ngũ những người có đủ năng lực tham gia các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó chưa hình thành cơ chế để đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình nhất là kỹ năng hòa giải, tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Để khắc phục những bất cập của chế định về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, chế định cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã có những sửa đổi, hoàn thiện quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Các chuyên gia đánh giá đây là một trong ba chính sách lớn đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 nói chung và chế định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng.
Theo dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chế định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình đã được sửa đổi bổ sung 05 điều (Điều 41,42,43,44, 45) và bổ sung 02 điều (Điều 46,47). Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc sửa đổi bổ sung chế định này đã không chỉ khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, mà còn tạo cơ chế để xã hội hóa, huy động cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.
Để tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình, theo TS. Trần Công Phàn cùng các chuyên gia, cần tiếp tục nghiên cứu nội dung một số quy định để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Cụ thể, về Điều 46, việc quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên tại cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình khác là cần thiết, tuy nhiên, ở những địa bàn vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thì việc thực hiện quy định này chưa khả thi. Do đó cần có quy định mở nhằm thu hút các cá nhân, tổ chức có điều kiện hoặc khả năng tham gia trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình như hình thành đội ngũ cộng tác viên để hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết. Các chuyên gia cũng đề nghị làm rõ nội hàm cụm từ “ người có nguy cơ cao kiểm soát hành vi bạo lực gia đình” tại khoản 3 Điều 46. Cụm từ này chưa làm rõ đối tượng được hỗ trợ dẫn đến sự nhầm lẫn với những đối tượng có “ nguy cơ cao gây bạo lực gia đình” (Khoản 5 Điều 52).
Bên cạnh đó, về Điều 47, để đẩy mạnh xã hội hóa công tác này cần hình thành cơ chế cụ thể để khuyến khích, bảo đảm hoạt động bền vững của các cơ sở trợ giúp phòng chống bạo lực gia đình của các cá nhân và tổ chức, đồng thời có các chính sách để huy động sự đóng góp nguồn lực của cá nhân và tổ chức xã hội trong và ngoài nước cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Những quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 46 còn mang nặng tính tổ chức mà chưa có các quy định cụ thể về nguồn lực (Nhà nước và ngoài Nhà nước) bảo đảm hoạt động bền vững của các cơ sở này.
Mặt khác, theo các chuyên gia, cần quy định trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xã hội, nghề nghiệp như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, nhất là Hội Luật gia, luật sư… vận động các đoàn viên, hội viên, các tổ chức trực thuộc tham gia xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, ủng hộ vật chất và tạo điều kiện thuận lợi đề huy động các nguồn lực cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình./.