Toàn cảnh Diễn đàn
Tham dự diễn đàn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS HCM Bùi Quang Huy cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội; Công an; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số địa phương…
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất, hăng hái tiên phong, cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên, đề cao vai trò, vị trí của thanh niên.
Trong những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc. Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên, Luật Giáo dục nghề nghiệp... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều chương trình, đề án, tạo cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát huy sức trẻ, trí tuệ, sự sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lực lượng thanh niên không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập, công tác, phát huy sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết thanh xuân, hun đúc lý tưởng, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, ngày càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó đến thanh niên”. Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn
Trong phát biểu khai mạc , Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, đây là diễn đàn mở màn cho chủ trương tổ chức các diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên hằng năm, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đối với thanh niên; công tác thanh niên, cũng như sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phát triển toàn diện, phát huy trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam hôm nay là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng; góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ các cơ sở thực tiễn trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách cho thanh niên ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay…
Sau khi xem phóng sự truyền hình về công tác đào tạo nghề cho thanh niên do Truyền hình Quốc hội thực hiện và lắng nghe một số tham luận về chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, đánh giá, làm rõ tác động của đại dịch COVID - 19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách và kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên; xác định các hệ giá trị và hành trang để thanh niên tự tin, thích nghi, thích ứng trong nghề nghiệp, việc làm; khuyến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao….
Đại biểu phát biểu ý kiến
Các ý kiến cho rằng, thanh niên là lực lượng xã hội đông đảo, có vị trí, vai trò và tiềm năng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn 2011- 2020, đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho thanh niên có bước phát triển mới đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế, xã hội; quy mô đào tạo nghề cho thanh niên tăng lên, chất lượng đào tạo và hiệu quả đào tạo được cải thiện. Các đại biểu cho rằng, đào tạo nghề cho thanh niên đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng cho các hoạt động kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, việc làm bền vững, giảm đói nghèo và an sinh xã hội; thanh niên được đào tạo nghề đã có được việc làm, lập thân, lập nghiệp theo hướng bền vững.
Tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra, mặc dù quy mô đào tạo nghề tăng nhưng chưa tương xứng đối với nhóm dân số trong độ tuổi thanh niên; tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề vẫn thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước; nguồn lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn; thanh niên đã qua đào tạo nhưng ở trình độ còn thấp, thanh niên thất nghiệp và việc làm chưa ổn định còn nhiều; thanh niên ở nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế; cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền và tâm lý của thanh niên; công tác dự báo về nhu cầu lao động thanh niên chưa thực sự sát với thực tế nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp, nên việc tổ chức đào tạo nghề còn có khoảng cách so với nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của thanh niên; chưa có công cụ dự báo hiện đại và tổ chức thực hiện dự báo chồng chéo. Đặc biệt, đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ thanh niên là người dân tộc thiểu số tham gia học nghề còn rất thấp và chủ yếu là tham gia khóa học nghề dưới 3 tháng.
Các đại biểu là thanh niên tại Diễn đàn phát biểu tâm tư, nguyện vọng
Diễn đàn cũng đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của đại diện các nhóm thanh niên cả nước trao đổi về những vấn đề được thế hệ trẻ quan tâm như: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số; chuẩn hóa lực lượng lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế; định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong đào tạo nghề cho thanh niên; chính sách hỗ trợ thanh niên là người khuyết tật có công việc ổn định lâu dài; thanh niên trở về Việt Nam làm việc sau khi du học nước ngoài…
Đề xuất, kiến nghị, giải pháp về công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, chúng ta cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo nghề nói chung và cho từng đối tượng cho thanh niên; xây dựng đồng bộ 08 chính sách đã được quy định tại Luật Thanh niên; tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; nâng cao giá trị xã hội của công tác đào tạo nghề cho thanh niên gắn với dự báo nhu cầu thị trường lao động; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề đáp ứng với đòi hỏi đa tầng của trình độ lực lượng sản xuất - trình độ công nghệ và đặc điểm của các vùng, lĩnh vực trong giai đoạn mới; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo khởi nghiệp cho thanh niện học nghề để giúp thanh niên đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và tự tạo việc làm; huy động tối đa các nguồn lực để phát triển công tác tạo nghề cho thanh niên…
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tiếp thu và ghi nhận tất cả các ý kiến đại biểu tại Diễn đàn liên quan đến việc phân luồng trong đào tạo; liên thông trong đào tạo; đào tạo ngành nghề chất lượng cao; đào tạo lại; liên kết với doanh nghiệp; chế đội chính sách đối với bộ đội xuất ngũ là thanh niên... Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ cũng đặt mục tiêu rất tham vọng trong lĩnh vực này. Cụ thể, sẽ phấn đấu có 40 trường đào tạo nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN- 4; 30 trường tiếp cận các nhóm tiêu chí của các nước G20. Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội sẽ phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương tập trung rà soát các văn bản pháp luật về đào tạo nghề cho thanh niên để đảm bảo sát thực tiễn; đẩy nhanh chuyển đổi số trong phát triển, đào tạo nghề; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho đào tạo nghề…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu
Cũng khẳng định vai trò của lực lượng thanh niên trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thanh niên là lược lượng quan trọng và là rường cột của nước nhà trong mọi giai đoạn lịch sử. Đào tạo nghề cho thanh niên để nâng cao chất lượng tay nghề, chuyên môn sẽ giúp đất nước cạnh tranh và hội nhập cùng với thế giới. Khẳng định đào tạo nghề chất lượng, lao động sẽ đảm bảo được cuộc sống từ chính nghề đó mà không cần bằng cấp, học vị cao siêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho thanh niên nói riêng cần chú trọng đến chất lượng thực chất, rèn giũa suốt đời.
Cho rằng hiện nay đào tạo nghề của Việt Nam đã có bước tiến bộ so với trước đây, tuy nhiên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta không vội hài lòng với kết quả đạt được mà cần nhìn thẳng vào những mặt hạn chế, tồn tại trong giáo dục nghề nghiệp để khắc phục, nâng cao hiệu quả, chất của hoạt động dạy nghề trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng các trường dạy nghề cần triển khai liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục văn hóa; tiến tới cởi bỏ quy định phải tốt nghiệp Trung học phổ thông mới vào cao đẳng được. Mặt khác, cũng cần quan tâm đúng mức về công tác hướng nghiệp, định hướng, rèn luyện kỹ năng nghề ngay từ bậc học Trung học phổ thông; thậm chí, cần giáo dục lý tưởng, đạo đức nghề nghiệp ngay từ cấp Trung học cơ sở. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong thời đại ngày này, việc học tập không chỉ hướng tới phục vụ xây dựng, phát triển đất nước mà hướng tới công dân toàn cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tại Diễn đàn
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau một thời gian làm việc khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thành công tốt đẹp. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, sự ủng hộ của Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và đông đảo đoàn viên, thanh niên.
Nhấn mạnh đào tạo nghề cho thanh niên cần được xem là một trong những trọng tâm của cả hệ thống giáo dục - đào tạo ở mọi cấp, trình độ, hình thức đào tạo, đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực ở mọi cấp độ, mọi địa phương, các lĩnh vực; tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện đột phá chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; thực hiện chính sách phổ cập nghề cho thanh niên theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát Luật có liên quan như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Việc làm, Luật Thanh niên…; bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, chính sách tạo thuận lợi cho việc đào tạo nghề; ưu tiên ban hành cơ chế, chính sách phổ cập nghề cho thanh niên; rà soát, điều chỉnh ban hành cơ chế, trong đó có các chính sách miễn giảm học phí cho thanh niên học nghề; chính sách về đào tạo lại, đào tạo lại cho thanh niên thuộc các nhóm đối tượng thanh niên; có cơ chế để lồng ghép các hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên trong các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Thay mặt Ban Tổ chức Diễn đàn tiếp thu ý kiến của các đại biểu và để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đào tạo nghề cho thanh niên những năm sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ phối hợp với các cơ quan xây dựng Báo cáo kết quả của Diễn đàn, gửi tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan làm tài liệu tham khảo khi xem xét, hoạch định chính sách về đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho thanh niên nói riêng./.