Sau kỳ điều chỉnh vào chiều ngày 01/3, giá xăng đã tăng lần thứ 6 liên tiếp từ giữa tháng 12/2021. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít, xăng RON95 tăng 554 đồng/lít và giá dầu tăng từ 470-530 đồng một lít,kg. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng, cụ thể dầu hỏa tăng 469 đồng/lít, lên mức 19.978 đồng/lít; dầu diesel tăng 509 đồng/lít, ở mức 21.310 đồng/lít; dầu mazut tăng 536 đồng, lên 18.468 đồng/kg.
Theo sát hoạt động của xã hội, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có văn bản giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện: theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội (Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV).
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Đánh giá cao sự phản ứng linh hoạt, sâu sát của người đứng đầu Quốc hội, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc cơ quan đại diện cho Nhân dân tham gia, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu để bảo đảm phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân là có trách nhiệm, có tính kịp thời và phù hợp nhằm làm rõ và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sản xuất xăng dầu trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đồng thời, công khai minh bạch với người dân về các biện pháp và chính sách đang triển khai để người dân hiểu và đồng thuận.
Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh giá dầu thế giới vượt 100USD/thùng, ông có dự báo như thế nào về xu hướng giá xăng dầu trong nước thời gian tới?
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Giá xăng dầu trong nước được Liên Bộ Tài chính – Công Thương điều hành dựa trên giá cơ sở xăng dầu được tính từ giá xăng dầu thế giới cộng với các loại thuế, phí trong công thức tính giá cơ sở theo quy định.
Do đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ có xu hướng tăng. Thông qua công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính có thể điều hành để giá xăng dầu trong nước có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, mức độ sử dụng Quỹ BOG để bình ổn giá xăng dầu còn phụ thuộc vào số dư Quỹ BOG (theo thông tin từ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG hiện không còn nhiều, khoảng 700 tỷ, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn số dư Quỹ BOG đang âm do thời gian vừa qua và hiện vẫn đang phải chi sử dụng Quỹ cho các mặt hàng xăng dầu có tỷ trọng tiêu dùng lớn gồm các loại xăng và dầu diesel với mức sử dụng từ 220-300 đồng/lít) do đó, cũng cần kết hợp sử dụng thêm các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá mặt hàng xăng dầu.
Do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu thế giới, dự báo giá dầu thế giới sẽ vượt ngưỡng 100USD/thùng, có thể đạt đến 150USD/thùng nếu cuộc chiến giữa Nga và Ukraina còn tiếp diễn. Hiện giá dầu thô thế giới đã chạm mức 120USD/thùng. Như vậy xu hướng giá xăng dầu trong nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng
Phóng viên: Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ nhằm giữ vững cũng như bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân?
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Về bình ổn giá xăng dầu, hiện trong cơ cấu giá xăng dầu, thuế phí đang chiếm tỷ lệ khoảng 28-42% (tùy loại và tùy thời điểm). Như đã trao đổi ở trên, với số dư Quỹ BOG đang thấp như hiện nay và mức sử dụng Quỹ BOG thời gian vừa qua, để bình ổn giá xăng dầu thời gian tới, Nhà nước cần rà soát điều chỉnh lại các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu cho hợp lý để sử dụng thêm công cụ này trong việc bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, với việc hoạt động bất ổn của Nhà máy sản xuất xăng dầu lớn nhất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có tỷ trọng 35-40% tổng cung) hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định (Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022) giao nhập khẩu xăng dầu bổ sung cho một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để nhập khẩu thay thế nguồn xăng dầu từ sản xuất trong nước không thực hiện được theo kế hoạch. Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh này, cần có các giải pháp để khuyến khích và tạo điều kiện cho nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu. Do đó, cần tập trung vào một số giải pháp như: việc điều hành giá xăng dầu của Nhà nước cần bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để giá xăng dầu trong nước không chênh lệch nhiều với giá thế giới và các nước trong khu vực; các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần có các biện pháp nhằm tạo điều kiện về thủ tục hải quan, về hạn mức tín dụng… để nhập khẩu xăng dầu được thuận lợi hơn.
Phóng viên: Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đã có văn bản giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện: theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước. Ông có đánh giá như thế nào về chỉ đạo này của người đứng đầu Quốc hội?
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Việc cơ quan đại diện cho Nhân dân tham gia, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu để bảo đảm phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân là có trách nhiệm, có tính kịp thời và phù hợp nhằm làm rõ và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sản xuất xăng dầu trong nước (như PVN và 2 Nhà máy lọc dầu trong nước), các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đồng thời công khai minh bạch với người dân về các biện pháp và chính sách đang triển khai để người dân hiểu và đồng thuận.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!