BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ: GÓI KÍCH CẦU PHỤC HỒI KINH TẾ CẦN CÓ QUY MÔ ĐỦ LỚN

11/11/2021

Chiều 11/11, tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến gói kích cầu phục hồi kinh tế đang được xây dựng.

 

Toàn cảnh phiên chất vấn

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về gói kích thích phục hồi kinh tế, đại biểu Quốc hội Võ Thị Minh Sinh- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết rõ gói kích thích phục hồi kinh tế khi nào sẽ được ban hành? Có quy mô như thế nào? Có gì mới và khác so với các gói kích thích kinh tế đã thực hiện trong giai đoạn trước?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng ta phải rút kinh nghiệm được gì và chưa được gì của gói kích cầu đầu tư những năm 2008 - 2009 để không vấp phải một lần nữa, phát huy được những mặt tốt, tránh được những khiếm khuyết của chương trình trước đây. Khi đó, chúng ta tập trung chủ yếu vào thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là ba mục tiêu lớn nhất của chương trình lúc đó. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các kết quả tích cực lúc đó đã giúp đất nước vượt qua được khủng hoảng và là một trong số ít những nước có tăng trưởng dương. Năm 2008, chúng ta tăng trưởng 5,7% vào năm 2009 chúng ta tăng trưởng 5,4%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, gói kích thích kinh tế năm đó cũng cho thấy rất nhiều hạn chế, bất cập mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm. Đó là chính sách mới chủ yếu tập trung về phía cung, doanh nghiệp rất khó khăn về đầu ra. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lãi suất thiếu đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách tài khóa khác nên đã làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách. Tức là, vay vốn này rồi gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch. Tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, bất động sản do chúng ta kiểm soát không chặt chẽ. Điều này gây ra nhiều ảnh hưởng về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao trong thời kỳ này. Năm 2010, lạm phát của chúng ta là 9,2% còn năm 2011 là 18,6%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, việc đầu tư dẫn đến dàn trải, nợ đọng, lãng phí, đình hoãn và nhiều dự án đến năm 2011 dừng lại, cho đến nay không giải quyết được hậu quả. Nhiều gói hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được và để lại các hệ lụy rất lớn. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của chúng ta thiếu sự thiếu chặt chẽ. Chính sách thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước. Tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Các chính sách hỗ trợ thì chưa sát thực tiễn. Những rào cản, điều kiện cho vay vốn của doanh nghiệp cũng chưa được công khai, minh bạch.

Từ những bài học kinh nghiệm trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, chúng ta phải có chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế với quy mô đủ lớn, đủ khả năng vay - trả và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, hiện tại chúng ta giải ngân đầu tư công còn chưa hết, nếu sắp tới có một gói kích cầu lớn như vậy thì phải làm sao giải ngân kịp trong năm 2022-2023. Đây là một thách thức đang đặt ra. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình đầu tư như vậy với công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân như vừa qua thì không thể kịp tiến độ, có khi còn kéo dài đến 5-10 năm sau. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, tất cả những vấn đề này là bài học mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm./.

Thu Phương