Thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Góp ý từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự thống nhất cao về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, với các lý do: Thứ nhất, tạo cơ chế, tạo động lực, điều kiện để cho các tỉnh, thành phố này phát triển; Thứ hai, thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, đường lối của Đảng; Thứ ba, thí điểm chính sách trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Về cơ chế, chính sách cụ thể, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu kỹ từng thế mạnh của từng tỉnh để có những chính sách cho phù hợp, để phát huy được cao nhất thế mạnh và đạt được hiệu quả cao nhất của các tỉnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Về tổ chức thực hiện, theo đại biểu, Nghị quyết đã quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành của cấp tỉnh. Nhưng đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí cả chế tài trong việc tổ chức thực hiện đúng, thực hiện nghiêm và thực hiện có hiệu quả nghị quyết này. Vì Nghị quyết này ban hành, đại biểu cho rằng, đây là một cơ hội không chỉ thách thức mà là cơ hội cho những người lãnh đạo, cho những người đứng đầu có năng lực, có tài năng, dám nghĩ dám làm. Đại biểu nhận thấy cần thiết phải quy định thêm trách nhiệm của người đứng đầu ở Nghị quyết này.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị cần phải thống nhất từ “thí điểm”. “Chúng ta phải có tiêu chí nào, khi nào, tỉnh nào, điều kiện nào thì chúng ta được thí điểm, bây giờ chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì ta đã ban hành 3 là tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, bây giờ là Hải Phòng, tới nay là thành phố Cần Thơ và bây giờ là 3 tỉnh Bắc Trung Bộ. Vậy thì tiêu chí nào để mang tính đại diện?”, đại biểu Tạ Văn Hạ phân tích. Đại biểu cho rằng, thí điểm chính sách thì phải mang tính đại diện, còn triển khai ở tất cả các khu vực có đặc thù riêng thì cần ban hành một quy chế chung cho các khu vực đó, cho những thành phố đó.
“Thời gian tới, các tỉnh khác cũng lại đề xuất lên là xin cơ chế đặc thù. Vậy tỉnh nào là được và tỉnh nào là không được, tỉnh nào cho và tỉnh nào không cho thì vấn đề này cũng khó” - đại biểu bày tỏ băn khoăn. Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị nên có những tiêu chí, nên có quy định cụ thể trong vấn đề thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách.
Một số ý kiến khác về việc thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển 4 tỉnh, thành phố
Cũng tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu băn khoăn liệu việc thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế có tạo cơ chế xin - cho.
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, ví 63 tỉnh, thành trong cả nước chính là 63 người con với những năng lực, tiềm năng, lợi thế khác nhau. “Trừ Luật Thủ đô thì 62 tỉnh, thành còn lại chung một nền tảng pháp lý. Nếu không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương thì chúng ta khó có thể kích hoạt lợi thế, tiềm năng của từng tỉnh, thành” - đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, vì nền tảng pháp lý chưa có nên cần phải thí điểm mô hình để từ đó phân loại các địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm.
Đề cập về cơ sở cho việc thí điểm, đại biểu nêu rõ đã có cơ sở chính trị. Đó là một loạt Nghị quyết của Bộ Chính trị dành cho từng địa phương. Và cơ sở pháp lý về thẩm quyền là quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép Quốc hội ban hành các Nghị quyết để thực thi các chính sách thí điểm khi hệ thống pháp luật chưa có quy định.
Ngoài ra, cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, thực tế cho thấy nhiều địa phương chưa tháo gỡ về mặt cơ chế. Do đó, lần này, Chính phủ và Quốc hội dự kiến thí điểm ở 3 mức độ là trao quyền cho các địa phương, trao quyền về phí, lệ phí và điều chỉnh tỷ lệ phân chia.
Đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ và triển khai có hiệu quả
Đóng góp ý kiến từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, để phát triển kinh tế, tạo đột phá thì cần phải có cơ chế đặc thù, đủ mạnh và có thể vượt rào, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì nên có thí điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
“Các địa phương đều có lợi thế, có đặc điểm riêng và cần các cơ chế đặc thù để phát triển, nhưng chúng ta cũng cần phải có các chính sách ưu tiên, có sự ưu tiên lựa chọn đầu tư trước một số tỉnh có tiềm năng, thế mạnh hơn để làm đầu tàu dẫn dắt và hỗ trợ các địa phương khác tiếp tục phát triển và cũng là bài học thực tiễn cho việc khái quát hóa thành các chủ trương để hoàn thiện thể chế, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn” - đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Mặt khác, theo đại biểu, với những cơ chế quy định đặc thù này chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc, do vậy thực ra đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra động lực mới.
Để đảm bảo phát triển đồng bộ và triển khai có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Lan kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục rà soát thêm các địa phương khác để chia thành các nhóm. Đại biểu nêu ví dụ như đối với những tỉnh có điều kiện khai thác ngay tiềm năng, lợi thế trên cơ sở có cơ chế đặc thù như 4 tỉnh trên, để tạo điều kiện thúc đẩy nhanh, đồng bộ bức tranh phát triển 7 vùng kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, những tỉnh đặc biệt khó khăn cũng cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương, thực hiện phương châm không vùng nào, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đang tập trung để chỉ đạo.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ và Quốc hội rà soát lại các Nghị quyết đã trình để có các chính sách thực sự đột phá và các đặc thù riêng có tính khả thi cao cho các tỉnh đã thí điểm, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thực sự và phải đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung từ Trung ương đến địa phương, tạo nên một sức mạnh tổng thể của cả quốc gia. Đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết thì phải đi đôi với xây dựng cơ chế giám sát việc thực hiện nhằm đảm bảo Nghị quyết đã ban hành phải phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, không chỉ tạo ra động lực mới về vật chất mà còn phải tạo ra niềm tin cho cử tri và uy tín cho Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, cho rằng, chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế vùng thì phải có cơ chế, chính sách tạo động lực đủ mạnh để thúc đẩy từng vùng phát triển. Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế là những địa phương có vị trí quan trọng về địa lý, kinh tế, văn hóa và an ninh, quốc phòng, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhận thấy, việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách cho các tỉnh, thành phố nêu trên là phù hợp, nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương áp dụng thí điểm và để tạo đột phá cho phát triển, có vai trò là động lực lôi kéo, lan tỏa các khu vực lân cận. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các tỉnh, thành phố nêu trên, sau khi được thông qua, đại biểu đề nghị 4 địa phương được thực hiện thí điểm cần có kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và tạo ra sự đột phá trong phát triển. Thực hiện được mục tiêu của Trung ương, của Bộ Chính trị và Quốc hội cũng như kỳ vọng đặt ra, đề nghị định kỳ đánh giá thực hiện kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết vào sau thời gian thí điểm./.