Thực hiện Kỳ họp thứ 2, sáng ngày 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm và đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Theo đó, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được những kết quả tích cực. Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội họp trực tuyến sáng ngày 24/10/2021 tại điểm cầu Nhà Quốc hội.
Qua ý kiến thẩm tra góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trân trọng tiếp thu và báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều đổi mới, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện để từng bước hình thành cơ chế phòng, ngừa chặt chẽ theo hướng đảm bảo không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.
Qua tổng kết cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tuy nhiên, công tác kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng vẫn còn có những hạn chế, tồn tại. Vì vậy, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương liên quan để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập... Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ hai, về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, năm 2021 công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế nên hiệu quả chưa cao như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh sự giám sát của các cơ quan dân cử, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, báo chí, doanh nghiệp và người dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đề cập là phòng, chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Thứ ba, về kết quả thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, kết quả của công tác này đã góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng. Năm 2021, số cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2020, nhưng việc phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tăng. Số cuộc thanh tra, kiểm tra giảm so với năm 2020 chủ yếu là do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch lần thứ tư, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra phải dừng, hoãn. Đạt được kết quả như trong báo cáo của Chính phủ là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, nhất là đã chú trọng xây dựng phương án phù hợp với tình hình phòng, chống dịch để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, việc chuyển các vụ việc sang cơ quan điều tra tăng so với năm 2020 cho thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đã từng bước được nâng lên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan nội chính trong việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực tại cuộc họp phiên thứ 20 vào đầu tháng 3/2021 vừa qua. Đó là, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án. Điển hình về cuộc thanh tra việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển 7 vụ việc ngay trong 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua sang cơ quan điều tra ngay trong quá trình thanh tra, khi chưa dự thảo Kết luận thanh tra.
Thứ tư, đối với ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc thanh tra liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19: Vừa qua, Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết số 217 và 218, trong đó có nội dung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và có biện pháp phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 và Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra nội dung này trên phạm vi toàn quốc.
Thứ năm, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và một số ý kiến, kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội: Tiếp thu ý kiến thẩm tra, góp ý của Ủy ban Tư pháp và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong đó có ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn./.