Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển. Người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc.
Để thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế của mình, tại phần thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa trong khuôn khổ Phiên họp thứ 3, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hằng năm nên bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thanh Hóa.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại lần Bác Hồ đến thăm tỉnh Thanh Hóa vào năm 1947 và có nói: “Theo tôi, Thanh Hóa muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu nhất định là được vì người đông, đất rộng, của cải nhiều. Chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”. Năm 1960 về thăm tỉnh Thanh Hóa một lần nữa, từ thị xã Thanh Hóa đi Sầm Sơn, Bác Hồ có tặng Thanh Hóa hai câu thơ: "Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng/ Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên".
Theo tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những lần đến thăm tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều ca ngợi vẻ đẹp và tiềm năng phát triển của Thanh Hóa. Thực tế, tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai nên cần chú trọng để phát triển cho địa phương này. Tỉnh Thanh Hóa có khát vọng, tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng phía Bắc, thậm chí là một trong những tứ giác phát triển. Việc Chính phủ trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Vì vậy, cần có cơ chế, tạo điều kiện để tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với việc để lại 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn cho tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc để lại này không nên quy định cứng là 70% số nguồn tăng thu của tỉnh từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn. Trong Nghị quyết chỉ nên ghi là không quá 70% để từng năm, Chính phủ có những thể thay đổi và để dự toán ngân sách Trung ương không hụt thu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đóng góp ý kiến.
Để đưa đưa tỉnh Thanh Hóa phát triển hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng ý với đề xuất của Chính phủ là khuyến khích, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc cần tạo nguồn lực bổ sung cần thiết cho tỉnh Thanh Hóa chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Nghi Sơn thì việc để lại nguồn thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn là cần thiết. Việc làm này cũng là để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu quan điểm tại Phiên thảo luận.
Cho rằng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đều đầy đủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất và cơ bản đồng thuận với dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến và kỳ vọng rằng, tỉnh Thanh Hóa cần thêm sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát triển so với lợi thế, tiềm năng của mình.
Kết luận Phiên thảo luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu Kết luận nội dung Phiên thảo luận.
Để tăng nguồn lực phát triển tỉnh Thanh Hóa, đạt được mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép tỉnh Thanh Hóa mức dư nợ được vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, tăng lên 20% so với các thành phố đã cho phép. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm cụ thể do Quốc hội quy định. Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Đồng thời giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ để hoàn chỉnh hồ sơ Nghị quyết. Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra chính thức, trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 2 tới đây.
Về hiệu lực thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất áp dụng từ 01/01/2022 và thực hiện trong 5 năm./.