Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt và TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý; đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Hiệp hội Bảo biểm Việt Nam, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện Học viện Ngân hàng, đại diện Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các công ty bảo hiểm…
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia thảo luận, đóng góp ý kiến và đề xuất nhiều giải pháp căn cơ nhằm hoàn thiện các quy định pháp lý về đảm bảo an toàn, phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng như hoàn thiện quy định về kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.
Cho rằng tổn thất và gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là vấn đề nhức nhối và là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, trong đó có doanh nghiệp Bảo hiểm Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đề nghị cần nhận thức đúng và đầy đủ về kinh doanh bảo hiểm và vai trò của nó trong nền kinh tế để có những chế tài cần thiết. Ông Đặng Văn Thanh nêu rõ, trên thực tế, hành vi gian lận bảo hiểm có các hình thức ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi, và xuất hiện trong hầu hết các khâu, các giai đoạn trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. Đối tượng của hành vi gian lận bảo hiểm khá đa dạng, có thể là người tham gia bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, người thuê tài sản bảo hiểm, người được giao quản lý, sử dụng tài sản bảo hiểm, cũng có thể là các cán bộ bảo hiểm, những nhân viên công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và các cộng tác viên.
PGS.TS Đặng Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam góp ý vào Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hình thức trực tuyến.
Do đó, để sửa đổi và bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế, yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm đồng bộ, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị cần nhận dạng đầy đủ các tổn thất, các gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm để có chế tài cho nội dung này. Các chế tài phòng chống tổn thất, phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm phải xuất phát từ gốc và phải bao phủ, tiếp cận đến mọi hành vi gian lận có thể xảy ra trong mọi khâu, mọi giai đoạn trong quá trình kinh doanh bảo hiểm. Ông Đặng Văn Thanh cho rằng cần quan tâm các quy định từ các sản phẩm bảo hiểm, các phương thức bảo hiểm, từ khâu giao kết các hợp đồng bảo hiểm, cho đến quá trình thực hiện hợp đồng và kết thúc hợp đồng bảo hiểm, quan tâm các chế tài đối với các đối tượng tham gia trong quá trình kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, ông Đặng Văn Thanh đề nghị cần có những quy định pháp lý mang tính đặc thù với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài sản, vốn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời cần có những quy định bắt buộc và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm và tăng đầu tư cho các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tổn thất của các đối tượng tham gia bảo hiểm. Đây không chỉ giảm bớt chi trả bù đắp cho doanh nghiệp bảo hiểm mà còn có ý nghĩa tác dụng nhân văn rất lớn cho người được bảo hiểm và cho kinh tế - xã hội.
Về các biện pháp đề phòng tổn thất quy định tại mục 5 chương II, PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị cần có những biện pháp tốt hơn để đề phòng tổn thất như biện pháp tài chính, biện pháp kiểm tra, kiểm soát, biện pháp về nhân lực. Cho rằng con người vẫn là yếu tố đóng vai trò quan trọng, quyết định trong phòng chống tổn thất và phòng ngừa gian lận bảo hiểm, ông Đặng Văn Thanh đề nghị ngoài các quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn và điều kiện để bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp và các vị trí công việc, Dự thảo Luật cần có thêm quy định về đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp đối với người tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm kể cả người làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm, người môi giới, đại lý bảo hiểm, người cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền của Tổ chức nghề nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 11.
TS. Đặng Vũ Huân - Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp).
Về đề phòng hạn chế tổn thất, TS. Đặng Vũ Huân - Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm khi xảy ra tổn thất, quy định về đề phòng, hạn chế tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm. Đề cập đến vấn đề phòng chống gian lận bảo hiểm, ông Đặng Vũ Huân đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác, thẩm định, bồi thường để xác định, đánh giá đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, hồ sơ, tài liệu có liên quan trước khi có quyết định bảo hiểm, chi trả tiền/bồi thường bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm.
Góp ý vào Dự thảo Luật, bà Trần Thanh Hà - Trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài Chính cho biết, thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng ngày càng đa dạng, đòi hỏi doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý và kiểm soát rủi ro hiệu quả. Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, sự can thiệp của cơ quan Nhà nước thông qua các điều kiện kinh donah, thủ tục hành chính đang được cắt giảm. Trên cơ sở đó, từ khi hình thành thị trường bảo hiểm đến nay, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tại một số doanh nghiệp bảo hiểm có một số hoạt động kiểm soát chưa tốt, dẫn đến yêu cầu cơ cấu lại hoạt động.
Trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm Trần Thanh Hà nêu rõ, tại thời điểm ban hành Luật trước đây, kiểm soát rủi ro chưa được đánh giá rõ ràng, riêng biệt, theo đó kiểm soát rủi ro được lồng ghép và yêu cầu tại tất cả các vấn đề như tiêu chuẩn về tài chính, kinh nghiệm của chủ đầu tưu, tiêu chuẩn người quản trị điều hành, quy định về nghiệp vụ bảo hiểm, về tài chính, về trích lập dự phòng, về đầu tư, về khả năng thanh toán… Việc kiểm soát rủi ro tại các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện không đồng đều. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hoạt động quản lý rủi ro tương đối tốt, tuy nhiên, một số doanh nghiệp phi nhân thọ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước, hoạt động quản trị rủi ro được kiểm soát chưa tốt, dẫn đến yêu cầu tái cơ cấu lai hoạt động. Do đó, bà Trần Thanh Hà đề nghị cần thiết xây dựng các quy chuẩn đối với hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), làm cơ sở cho các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro của riêng mình, đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Cũng đề cập đến nội dung này, Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga - Trưởng phòng Pháp chế và Tuân thủ, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ cho biết, điểm d Khoản 2 Điều 89 Dự thảo Luật quy định: “Hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải đáp ứng các yêu cầu sau: Thiết lập đầy đủ các giới hạn chấp nhận rủi ro đối với từng loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan, mối tương quan giữa các rủi ro đó. Các giới hạn chấp nhận rủi ro phải phù hợp với chính sách quản trị rủi ro, chiến lược kinh doanh, nguồn nhân lực, điều kiện công nghệ thông tin của doanh nghiệp.” Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga đề nghị cần cân nhắc loại bỏ cụm từ “và các rủi ro có liên quan, mối tương quan giữa các rủi ro đó” trong dự thảo điều khoản nêu trên. Khi đó, hệ thống quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm có nghĩa vụ chỉ thiết lập đầy đủ các giới hạn chấp nhận rủi ro đối với các rủi ro trọng yếu; không phải thiết lập các giới hạn chấp nhận rủi ro đối với các rủi ro có liên quan mà không ảnh hưởng trọng yếu tới hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cũng đóng góp ý kiến hoàn thiện quy định về doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm, góp ý một số quy định về hợp đồng bảo hiểm, thảo luận, cho ý kiến về nhu cầu và hiệu quả hoạt động bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô trong các hợp tác xã, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất kiến nghị về nội dung này. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về những thay đổi trong quy định về quản lý và giám sát kinh doanh bảo hiểm, góp ý hoàn thiện các quy định về chủ thể kinh doanh bảo hiểm phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến để Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 8 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 2001, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2010 và năm 2019 để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đến nay sau 20 năm thi hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phát huy tác dụng trên thực tế và đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo khung pháp lý cao cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và đóng góp cho nền kinh tế nói chung.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh, với quá trình chuẩn bị công phu, tích cực, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn với tâm huyết, trách nhiệm và sự nghiên cứu chuyên sâu của mình, các chuyên gia sẽ có nhiều đóng góp cho Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp cũng như cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính có thể hoàn thiện Dự án luật tốt nhất, có tính khả thi cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.