Các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về hai dự án luật

10/06/2013

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Dự án Luật Việc làm.

Bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong thi đua, khen thưởng

Thảo luận về dự án Luật thi đua khen thưởng, nhiều ý kiến nhất trí với việc cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng sau 8 năm thực hiện nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua.

Ý kiến của đại biểu tại nhiều tổ tán thành với quan điểm sửa đổi Luật cần bảo đảm tính kịp thời, chính xác trong thi đua, khen thưởng để huy động được sức mạnh và sức sáng tạo từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; luật hóa một số quy định phù hợp với thực tiễn trong các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật hiện hành vào Dự án Luật nhằm cụ thể hóa và nâng cao giá trị pháp lý.

Trong tổng số 103 điều của Luật thi đua, khen thưởng hiện hành, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 44 điều (được sửa đổi, bổ sung từ Chương I đến Chương IV), trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định chung, nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Một số ý kiến không tán thành với việc bổ sung Điều 21 quy định thời điểm xét tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” là 5 năm một lần thay cho xét hàng năm như hiện nay. Theo ban soạn thảo, sửa đổi như vậy là để việc tôn vinh đúng vào dịp Đại hội Thi đua yêu nước các cấp và cũng phù hợp với việc tổng kết, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm của đất nước.

Tuy nhiên, các đại biểu Đinh Xuân Thảo, Đào Văn Bình (Hà Nội) và một số ý kiến khác cho rằng quy định 5 năm mới xét tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc sẽ làm mất tính kịp thời động viên trong thi đua, khen thưởng. Các ý kiến đề nghị vấn đề này cần giữ như luật hiện hành là xét tặng hàng năm.

Qua thảo luận, một số ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định các hình thức khen thưởng: Cờ thi đua, bằng khen cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Cờ thi đua, bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, được quy định tại Điều 31 và Điều 73. Đây là những tổ chức, đơn vị có quy mô lớn, có tính đặc thù và là nơi trực tiếp tổ chức phát động các phong trào thi đua, trong khi đó Luật hiện hành quy định những tổ chức này chỉ được tặng hình thức giấy khen. Việc bổ sung danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng này nhằm thực hiện phân cấp trong khen thưởng, tránh dồn khen thưởng lên cấp trên và để khen thưởng động viên trực tiếp, kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua...

Hoàn thiện chính sách pháp luật về việc làm

Thảo luận về dự án Luật Việc làm, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về việc làm, tạo cơ hội việc làm, đảm bảo việc làm bền vững và an toàn cho mọi người lao động trong xã hội; nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với vấn đề thúc đẩy việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động...

Luật Việc làm điều chỉnh các quan hệ về việc làm, gồm các quy định về 5 nội dung chính là hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Các nội dung này áp dụng đối với mọi người lao động, bao gồm cả người lao động có việc làm (có hoặc không có quan hệ lao động) và người lao động không có việc làm (chưa có việc làm hoặc mất việc làm), người lao động phổ thông và người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm áp dụng chủ yếu đối với người lao động chưa có việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng chủ yếu đối với người lao động bị mất việc làm. Các quy định về dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được áp dụng chung đối với tất cả người lao động.

Luật Việc làm áp dụng đối với hai nhóm đối tượng là người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến việc làm.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị dự án Luật cần giải thích rõ thế nào là thị trường lao động. Đại biểu nêu băn khoăn và đề nghị xác định, làm rõ cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Một số ý kiến tán thành việc quy định bảo hiểm thất nghiệp trong dự án Luật. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp điều chỉnh mọi đối tượng là người lao động (bao gồm cả người lao động không có quan hệ lao động). Đối với người lao động không có quan hệ lao động sẽ được thực hiện theo cơ chế tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, mức đóng, mức hỗ trợ, phương thức đóng, thời gian đóng, trình tự thủ tục và lộ trình thực hiện.

Thứ Hai, ngày 10/6/2013, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn./.

 

Quỳnh Hoa (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)