QUỐC HỘI NGHE THẨM TRA VỀ CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2020

24/07/2021

Chiều ngày 24/7 tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

 

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chính phủ đã ban hành Chương trình THTK,CLP sớm hơn so với năm trước; xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành lồng ghép các nội dung liên quan đến THTK,CLP, ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các vấn đề lớn, quan trọng... tạo tiền đề thực hiện tốt công tác THTK,CLP.


Quốc hội nghe thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Chính phủ đã rà soát, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến THTK,CLP; tăng cường công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; các quy định về môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được sửa đổi, bổ sung; Chính phủ điện tử, hệ thống thương mại điện tử tiếp tục phát triển… nhờ đó thủ tục hành chính, năng lực cạnh tranh được cải thiện, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ đã tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh giản; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư và hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đấu thầu; một số sáng kiến trong công tác kiểm soát dịch bệnh đã được triển khai giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước; gắn kết chặt chẽ quản lý ngân sách Nhà nước với quản lý ngân quỹ nhà nước, cải cách công tác phát hành trái phiếu Chính phủ để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, hỗ trợ ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ. Hệ thống văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công tiếp tục được hoàn thiện; việc rà soát xử lý xe dôi dư, sắp xếp xử lý nhà đất, trụ sở làm việc, nhà công vụ tiếp tục được triển khai nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tài nguyên; chấn chỉnh việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, quản lý sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp; ban hành nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả chất thải tại các khu công nghiệp, nhà máy.

Chính phủ tiếp tục ban hành cơ chế chính sách để thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, doanh nghiệp được triển khai; một số doanh nghiệp đã có sáng kiến, cải tiến, sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong THTK, CLP; tăng cường tiết kiệm điện, dừng hầu hết các lễ hội, giảm việc tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm, thực hiện tốt chủ trương không đốt vàng mã tại các đền, chùa và các khu dân cư.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy công tác THTK,CLP năm 2020 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, tình trạng chậm ban hành Chương trình THTK,CLP vẫn xảy ra; một số báo cáo còn hình thức, đánh giá còn chung chung; một số báo cáo không cụ thể số liệu, chưa đánh giá, so sánh với chỉ tiêu đề ra năm 2019; Báo cáo của Chính phủ chưa có kết quả THTK,CLP một số chỉ tiêu, một số lĩnh vực theo Quyết định 166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những địa phương, bộ, ngành chưa thực tốt THTK,CLP chưa được chỉ rõ để nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh.

Tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng pháp luật vẫn diễn ra; việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp chưa kịp thời; chất lượng của một số văn bản về quản lý kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để, kể cả văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chính phủ cũng chưa làm rõ và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hiện nay ở một số lĩnh vực như vướng mắc khi triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện; bất cập trong ban hành, thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng; bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vac-xin phòng chống dịch Covit-19.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn bất cập, Chính phủ đã chỉ ra nguyên nhân là do một số bộ, địa phương chưa tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực và chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhưng không nêu rõ bộ, địa phương nào để chấn chỉnh, khắc phục. Công tác quy hoạch triển khai rất chậm, nhiều khó khăn vướng mắc trong đầu tư chưa được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời cả đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân. Chính phủ cần rà soát, xác định trách nhiệm và có giải pháp để khắc phục. Việc cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; thủ tục hành chính vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm; tình trạng nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động nhưng pháp luật về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính thiếu đồng bộ; một số quỹ nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước, một số quỹ phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước, cấp, một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động; cơ chế chính sách để thực hiện tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hoàn chỉnh, chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập lớn nhưng Chính phủ chưa nêu rõ trong báo cáo và đề ra giải pháp khắc phục; một số cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế tự chủ tài chính như các đơn vị sự nghiệp công lập là chưa phù hợp. Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ vẫn còn diễn ra.

Một số Bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%; Chính phủ đã nêu trong báo cáo một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được; việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục. Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm.

Công tác kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm; còn 29 địa phương chưa hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc; 25 địa phương chưa hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính; 52 địa phương chưa hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng được giao đất, thuê đất; 50 địa phương chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo số liệu sau rà soát. Chính phủ cũng chưa tổng hợp được các dự án ‘treo’, diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc, chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí để có giải pháp xử lý; vi phạm về đất đai vẫn xẩy ra dẫn đến khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Diện tích đất chưa sử dụng còn lớn cần có giải pháp để sử dụng hiệu quả.

Việc vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn xảy ra ở một số nơi. tình trạng ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông, ven biển, hạn hán, xâm ngập mặn diễn ra nghiêm trọng ở các địa phương ở khu vực miền Tây Nam Bộ; tình trạng vi phạm về môi trường vẫn còn xảy ra, cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 12.000 vụ vi phạm về môi trường.

Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm; việc phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu, chính quyền địa phương trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ chưa tốt, chậm, nhất là các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; việc xử lý các dự án yếu kém chậm, còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay là do khuôn khổ thể chế và công tác thực hiện còn bất cập nhưng Chính phủ chưa làm rõ trong báo cáo và đề ra giải pháp để tháo gỡ, khắc phục.

Hoạt động lừa đảo, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn vẫn bức xúc, chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong THTK,CLP năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật THTK,CLP chưa hiệu quả; nhận thức về THTK,CLP của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế,... Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Một số đề xuất, kiến nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với các mục tiêu, giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ đồng thời lưu ý một số nội.

Về việc tổng hợp, xây dựng Báo cáo: Báo cáo kết quả THTK,CLP hàng năm cần rà soát, đối chiếu với quy định của Luật THTK,CLP và Chương trình THTK,CLP do Chính phủ ban hành để đánh giá, so sánh, làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém đối với từng lĩnh vực theo từng chỉ tiêu; các nhận định, đánh giá phải được thể hiện qua các số liệu, dẫn chứng cụ thể, phải nêu rõ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa tốt để chấn chỉnh, khắc phục.

Về công tác tuyên truyền: Cần đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của THTK,CLP và ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Luật THTK,CLP.

Về việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp thực tiễn. Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn hoặc chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến thực hiện còn lúng túng, xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư (đầu tư công, PPP, đầu tư tư nhân,...); trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công; trong việc triển khai các dự BT dở dang được tiếp tục thực hiện; trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Về cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán, quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra; ban hành đầy đủ, phù hợp thực tiễn khuôn khổ pháp lý để thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giảm thủ tục phiền hà, tiết kiệm và mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Về cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp: Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn tới. Xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân chậm triển khai quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước.

Về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước: Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ chế sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi trong Kho bạc nhà nước với phát hành trái phiếu, tiền gửi của ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại; cân đối việc phát hành trái phiếu, vay vốn với tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Về công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Về quản lý đất đai: Khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, đất chưa sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích, các dự án treo,... để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đối với nguồn tài nguyên, đất đai.

Về xử lý trách nhiệm trong chấp hành các quy định về THTK,CLP: Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả THTK,CLP; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật THTK,CLP.

Với tóm tắt kết quả thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020, Ủy ban Tài chính, Ngân sách báo cáo Quốc hội xem xét./.

Bích Lan-Bùi Hùng