Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Cần thiết tiếp tục đầu tư Chương trình MTQGXDNTM giai đoạn 2021-2025
Trình bày báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) thời gian vừa qua. Qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của Nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được thực hiện. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện. Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020 trước 2 năm; đã có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025 sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, nhưng các quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch đang trong quá trình lập, chưa được phê duyệt nên thiếu căn cứ để đánh giá. Đề nghị Chính phủ rà soát, cập nhật để bảo đảm sự tương thích, phù hợp. Đồng thời, trong quá trình lập quy hoạch cấp xã, huyện, tỉnh cần chú ý gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nhanh và bền vững.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phân chia thành các nội dung thành phần đã được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 với mục đích thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đã phát huy hiệu quả hỗ trợ các xã thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, đồng thời việc lập thành các dự án thành phần, quy định cụ thể tổng mức vốn đầu tư cho từng dự án cụ thể sẽ không tạo được sự linh hoạt, chủ động của địa phương cũng như huy động các nguồn lực khác tham gia thực hiện Chương trình. Do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc phân chia dưới dạng nội dung thực hiện.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế tán thành phạm vi Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước bao gồm tất cả các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ cấu nguồn lực huy động được lồng ghép giữa các chương trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng một số tiểu nội dung trong các nội dung thành phần của Chương trình còn có sự trùng lặp.
Cân đối về cơ cấu nguồn vốn, khả năng huy động vốn dành cho Chương trình
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, đã có kế hoạch phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương (NSTW) giai đoạn 2021-2025 cho Chương trình.
Ủy ban Kinh tế cho rằng giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội của nước ta, dự kiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác như đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, quốc phòng, an ninh… Do vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành phương án bố trí vốn NSTW cho Chương trình như Tờ trình và đề nghị trong quá trình điều hành, căn cứ điều kiện thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối vốn NSTW để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình.
Toàn cảnh Phiên họp
Về nguyên tắc phân bổ vốn NSTW, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại số liệu để bảo đảm nguồn lực NSTW được bố trí hợp lý trên cơ sở chú trọng một số nguyên tắc chính và thứ tự ưu tiên như sau:
Địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thì tự bảo đảm vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện; Địa phương thuộc khu vực miền núi, Tây Nguyên khó khăn thì NSTW hỗ trợ tối đa 70%; địa phương ngân sách trung ương còn phải hỗ trợ trên 60% thì NSTW hỗ trợ tối đa 50%; địa phương đảm bảo ngân sách từ 60% trở lên thì NSTW hỗ trợ tối đa 30%.
Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các xã đạt dưới 15 tiêu chí và số vốn còn thiếu để các xã đạt trên 15 tiêu chí hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; bố trí vốn thanh toán các nội dung nợ tiêu chí; hoàn thành dứt điểm các nội dung dở dang của giai đoạn 2016-2020; thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp, các mục tiêu về nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Số vốn còn lại thực hiện các nội dung mới trong đó ưu tiên bố trí hoàn thành các tiêu chí về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, xử lý môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn.
Đề nghị Chính phủ rà soát nguồn vốn ngân sách địa phương để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, tránh phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Đối với các nguồn lực khác, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở xác định, tính khả thi của việc huy động nguồn lực do yếu tố dịch bệnh tác động đến sản xuất, kinh doanh và các xã phấn đấu đạt nông thôn mới đến năm 2025 là các xã còn nhiều khó khăn, khả năng tham gia đóng góp kinh phí khó khăn hơn.
Cần đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi và bền vững của mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, do đặc thù triển khai đồng thời và có sự lồng ghép vốn thực hiện giữa các CTMTQG, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp ở địa phương chung cho cả 03 CTMTQG để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng thời bảo đảm phân công hợp lý, không chồng chéo.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi và bền vững của mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế; chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên; đại dịch Covid-19 tác động sâu và nặng nề tới nền kinh tế và người dân lao động; bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, có ý kiến thẩm tra cho rằng, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới khó khả thi vì đây là những khu vực rất khó khăn, đề nghị điều chỉnh mục tiêu xuống còn 40%. Đề nghị cân nhắc điều chỉnh mục tiêu số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tăng từ 15 lên 20 tỉnh, thành phố.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu đưa mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tăng thu nhập bình quân ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 vào các mục tiêu, tiêu chí của chương trình giai đoạn 2021-2025; quy định cụ thể nguồn hỗ trợ để đạt mục tiêu cấp tỉnh và cấp thôn.
Ngoài ra, một số ý kiến thẩm tra đề nghị bổ sung mục tiêu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình; nghiên cứu cụ thể hóa trong các tiêu chí về nông thôn mới để bảo đảm vai trò của phụ nữ trong tham gia Chương trình MTQGXDNTM; tiếp tục quan tâm đến vấn đề cải thiện tình trạng dinh dưỡng phụ nữ, trẻ em tại vùng nông thôn./.