Sau 3 tháng triển khai thực hiện, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý sôi nổi và sâu rộng trên phạm vi cả nước. Theo Báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, 30 Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và HĐND, UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào Dự thảo gửi về Ban Chỉ đạo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho biết, đã có hơn 8 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo. Kết quả lấy ý kiến cho thấy, các tầng lớp nhân dân, từ các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, các nhân sỹ, trí thức, người tiêu biểu trong các dân tộc, các chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dành nhiều tâm huyết, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung của Dự thảo, từ đó đề xuất nhiều ý kiến sâu sắc và trí tuệ góp phần hoàn thiện Dự thảo. Ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân khá toàn diện, phong phú. Trong quá trình thảo luận, tuy có một số ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung đều đồng tình, ủng hộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do QH công bố. Thực tiễn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo cũng đã thể hiện sinh động quyền làm chủ của nhân dân đối với đất nước, đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo kế hoạch, các ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo sẽ được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tập hợp, tổng hợp đầy đủ và kịp thời tiếp thu, chỉnh lý để trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm, tháng 5.2013. Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có Công văn nêu rõ, từ ngày 1.4 -30.4 và cho đến 30.9 - trước khi Dự thảo được trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, tháng 10.2013, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo. Các cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm tiếp tục tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của người dân gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để Ủy ban nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý trình QH xem xét, quyết định.