Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sáng 14/3, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề lớn về tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ sở hữu đất đai, cơ chế thu hồi đất.
Chương 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Qua phản ánh của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhân dân quan tâm, tập trung đóng góp ý kiến nhiều nhất là chế độ sở hữu đất đai và cơ chế thu hồi đất. Tuy nhiên, theo các đại biểu, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp năm 1980 đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai ở nước ta.
Đánh giá cao điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi Hiến pháp này là hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, các đại biểu cho rằng, nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ của nhà nước đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phòng, chống và xử lý nghiêm các sai phạm về đất đai. Liên quan đến cơ chế thu hồi đất quy định tại khoản 3 điều 58 của dự thảo, đại biểu Lê Thị Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhận định: Thực trạng tham nhũng và khiếu kiện về đất đai thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ bản thân quy định cũng như cách thức tổ chức thực hiện cơ chế thu hồi đất. Do đó, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị: Trước khi chúng ta Hiến pháp hóa quy định về thu hồi đất hiện hành thì rất cần phải trả lời câu hỏi vậy dựa trên căn cứ lý luận nào để chúng ta thu hồi tài sản của Nhà nước, cá nhân. Nếu chúng ta coi đây là quyền tài sản đặc biệt thì theo chúng tôi việc Nhà nước đứng ra thu hồi quyền sử dụng đất cũng phải hết sức có giới hạn, chỉ nên dừng ở lý do thật cần thiết vì lý do quốc phòng-an ninh, lợi ích công cộng, các dự án phi lợi nhuận. Chúng tôi cũng đề nghị bỏ quy định thu hồi vì lợi ích quốc gia, các dự án phát triển kinh tế xã hội vì sau này dễ bị hiểu rất rộng dễ bị lạm dụng, gây thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Một số ý kiến đề nghị Hiến pháp cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, tăng tính tự chủ của các chính quyền đô thị, đặc biệt là đô thị lớn./.