RỘN RÀNG, KHẨN TRƯƠNG ĐÓN NGÀY HỘI LỚN

22/05/2021

Ngày mai 23/5, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ chính thức diễn ra trên cả nước.

 

Khắp các vùng, miền từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đều tràn ngập không khí rộn ràng, khẩn trương đón Ngày hội lớn của non sông, đất nước, để lựa chọn, bầu ra những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.


Cử tri tìm hiểu danh sách các ứng cử viên tại Trụ sở khóm Hưng Đạo Vương, phường 1, thành phố Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Phấn khởi, náo nức

Những ngày này, khắp các xóm, ấp trên địa bàn thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) được trang hoàng rực rỡ với cờ, băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động tuyên truyền cho Ngày Bầu cử. Xe thông tin lưu động của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã tổ chức tuyên truyền về bầu cử và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến các xã, phường, nhất là các khu vực chợ, khu vực đông dân cư, nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra an toàn và nghiêm túc.

Ông Vi-Ti-Va-Lây, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, cho biết, toàn xã có hơn 800 cử tri là đồng bào Khmer tham gia bầu cử. Địa phương đã tuyên truyền sâu rộng thông qua nhiều hình thức như: Loa truyền thanh, xe loa, tuyên truyền trực tiếp… để người dân nắm rõ thời gian, cách thức bầu cử. Ngoài ra, trong quá trình phát thẻ cử tri, các thành viên tổ bầu cử cũng tích cực hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia bầu cử. “Năm nay, công tác tuyên truyền thực hiện khá đa dạng, đồng bào Khmer ai cũng nắm được thông tin. Qua trao đổi, bà con phấn khởi tìm hiểu về cuộc bầu cử và thông tin về ứng cử viên để có thể lựa chọn được những người xứng đáng”, ông Vi-Ti-Va-Lây chia sẻ.

Theo ông Đặng Văn Chính, Phó Bí thư Chi bộ ấp Trà Sơn, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, những ngày qua, các thành viên tổ bầu cử của ấp đã tổ chức các cuộc họp để thông tin đến người dân. Đặc biệt, bản thân ông trực tiếp sử dụng loa di động, mỗi ngày đến các điểm tập trung đông dân cư, phát loa tuyên truyền, lưu ý người dân đọc và nắm rõ tiểu sử, chương trình hành động của người ứng cử.

Ông Thạch Thene, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, chia sẻ, nhờ có ti vi, loa truyền thanh của địa phương, các thành viên tổ bầu cử ấp thường xuyên thông tin về các nội dung của cuộc bầu cử nên người dân biết và chuẩn bị tham gia. Ai cũng phấn khởi chờ ngày tự tay cầm lá phiếu để bầu ra những người ưu tú, có đủ tài và đức, đại diện cho tiếng nói của nhân dân.

Không chỉ riêng Vĩnh Long, khắp mọi nẻo đường, xóm làng trên cả nước đều rợp cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu, chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đặc biệt, với sự tuyên truyền sâu rộng, bà con Công giáo ở Đồng Nai đã nhận thức sâu sắc về quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử, hướng về Ngày Bầu cử với tâm thế phấn khởi.

Linh mục Trần Phúc Thịnh, Chánh xứ Giáo xứ Đức Huy, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, cho biết: Trong các thánh lễ, tôi luôn nhắc nhở đồng bào về bầu cử; đề nghị bà con đọc, nghiên cứu kỹ danh sách ứng cử viên được niêm yết tại giáo xứ. Bầu cử là bổn phận của mọi cử tri, đồng bào Công giáo phải tham gia cho tốt, đến ngày bầu cử mọi người cố gắng sắp xếp công việc, đi bầu sớm.

Theo ông Trần Thiện Cường, Giáo xứ Đức Huy, đi bầu cử là trách nhiệm của mọi cử tri. Ngoài đi bầu cử đầy đủ, cử tri còn phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, không để người khác bầu hộ, bầu thay. Danh sách các ứng cử viên được niêm yết ngay trong giáo xứ nên ông Cường có nhiều thời gian để tìm hiểu. Đến ngày bầu cử, ông sẽ bỏ phiếu cho những người mà ông tin tưởng lựa chọn. Ông cũng mong những đại biểu được nhân dân bầu ra sẽ phát huy trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp, đưa đất nước ngày càng đi lên.

Chủ động nhiều kịch bản 


Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên truyền về bầu cử cho người dân tại địa bàn biên giới xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị được đảm bảo theo đúng tiến độ. Từ sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương đã xây dựng nhiều kịch bản, phương án triển khai bầu cử, đảm bảo quyền bầu cử và an toàn cho cử tri cũng như lực lượng tham gia công tác bầu cử.

Huyện Nậm Pồ đang là một trong những “tâm dịch” của tỉnh Điện Biên. Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 18/5, Ủy ban Bầu cử huyện đã ban hành kế hoạch số 35, đưa ra 4 phương án bầu cử đối với từng địa bàn cụ thể theo diễn biến của dịch bệnh. Xã Si Pa Phìn có đến 22/23 cán bộ, công chức xã phải cách ly tập trung nên sẽ có phương án bỏ phiếu riêng.

Cụ thể, huyện sẽ rà soát, bổ sung, thay thế thành viên Ban bầu cử, Tổ bầu cử là F1, F2 để đảm bảo số người làm việc, tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền chia nhỏ cử tri đi bỏ phiếu theo nhiều đợt và các khung giờ khác nhau. Tại các điểm bỏ phiếu sẽ căng dây phân luồng kẻ vạch sơn để đảm bảo khoảng cách, trang bị thêm các trang thiết bị y tế phục vụ phòng dịch. Đối với các cử tri thuộc diện cách ly tại nhà, cách ly tại các khu vực cách ly tập trung, huyện sẽ sử dụng hòm phiếu phụ. Cán bộ làm công tác bầu cử sẽ mang hòm phiếu đến từng phòng trong khu cách ly để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử.

Là địa bàn có tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ca bệnh có ở tất cả các địa phương trong tỉnh, để đảm bảo công tác bầu cử đúng quy định, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng các kịch bản theo từng tình huống, nhất là cho những khu vực có người cách ly, điều trị COVID-19, đảm bảo an toàn, dân chủ.

Theo đó, đối với việc tổ chức bầu cử cho những người cách ly y tế tại nhà, Tổ Bầu cử sẽ cử ít nhất hai cán bộ của Tổ và một cán bộ y tế mặc trang phục phòng, chống dịch chuyên dụng, đeo khẩu trang, găng tay; mang hòm phiếu phụ đã khử khuẩn đến nhà cùng những vật dụng khác liên quan đến bầu cử.

Tại khu vực bỏ phiếu (tại nhà người cách ly), người đang cách ly phải tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Khi cán bộ Tổ Bầu cử mang hòm phiếu đến sẽ thông báo cho người cách ly để thực hiện quyền bầu cử; hướng dẫn cách thức bầu cử và phòng, chống dịch. Trước và sau khi cử tri bỏ phiếu, hòm phiếu và thẻ cử tri đều được xịt khuẩn.

Về việc tổ chức bầu cử trong khu vực cách ly y tế tập trung, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước Ngày Bầu cử, cán bộ y tế phường phối hợp với cán bộ Tổ Bầu cử phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực tổ chức bầu cử. Trong quá trình bầu cử, cán bộ điều hành trong khu cách ly hướng dẫn cử tri đi bầu theo hàng một chiều và dừng đúng vạch. Cán bộ của Tổ Bầu cử sẽ đứng ngoài hàng rào, trang bị đầy đủ đồ phòng hộ, hướng dẫn người cách ly về cách thức bầu cử và phòng, chống dịch trong bầu cử.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn cuộc bầu cử


Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam xem danh sách ứng viên tại khu vực bỏ phiếu số 13, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội cho sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân được lực lượng công an triển khai, thực hiện theo đúng kế hoạch. Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, lực lượng công an đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm, rất chi tiết các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn ngày bầu cử vào ngày 23/5 tới.

Như ở quận Ba Đình, Hà Nội, tất cả cán bộ, chiến sỹ công an quận đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động mọi mặt trong quá trình công tác cũng như thái độ ứng xử đối với nhân dân đảm bảo phục vụ tốt nhất quyền lợi cử tri trên địa bàn. Bên cạnh đó, quận Ba Đình cũng đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch phát sinh. Toàn bộ các phường trên địa bàn quận đều tổ chức diễn tập phương án xử lý các tình huống phòng, chống dịch COVID-19, xử lý sự cố cháy nhằm đảm bảo an toàn trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Còn tại Đông Dư - một xã ven nội ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đến thời điểm này cũng đã cơ bản hoàn tất. Việc phân công lực lượng ứng trực tại các khu vực bỏ phiếu, cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn đã được Công an huyện Gia Lâm triển khai nghiêm túc. Đại úy Lê Văn Thủy, Trưởng Công an xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho hay: Công an xã Đông Dư đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp; chủ động trong công tác nắm tình hình trong nhân dân, ở từng đại bàn cụ thể.

Tại huyện Hoài Đức, nơi có 177 điểm bỏ phiếu trên địa bàn toàn huyện, các kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đã được công an huyện xây dựng chi tiết. Công an các xã, thị trấn các đội nghiệp vụ tăng cường nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ các đối tượng, bảo đảm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Theo Trung tá Đồng Xuân Quốc, Phó Trưởng Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội: Công an huyện đã hợp đồng chặt chẽ với ban chỉ huy quân sự huyện trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an toàn cuộc bầu cử trên địa bàn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, sẵn sàng cho ngày hội lớn. Công an các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, tình hình thực tiễn của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh chính trị, tuyệt đối an toàn cuộc bầu cử. Đáng chú ý, tại điểm bỏ phiếu riêng đối với cán bộ, chiến sỹ các đơn vị thuộc Bộ Công an ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ bầu cử đã có kế hoạch cụ thể, đảm bảo cuộc bầu cử được tổ chức tuyệt đối an toàn, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Để Ngày hội non sông diễn ra an toàn, thuận lợi, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Tiểu ban an ninh và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; xây dựng kế hoạch hiệp đồng giữa cơ quan Quân sự - Công an - Biên phòng để bảo đảm an ninh, trật tự trong ngày bầu cử. Các đơn vị cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống đột xuất xảy ra; đồng thời tăng cường chỉ đạo, nắm chắc tình hình, phối hợp tham gia bảo đảm an ninh, an toàn tại các tổ bầu cử.

Lực lượng Công an tỉnh Ninh Thuận và tổ thanh niên xung kích, dân quân tự vệ các địa phương cũng được tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các điểm treo khẩu hiệu tuyên truyền; bố trí lực lượng tại 460 tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh. Để phòng ngừa đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp phát tán thông tin phức tạp, tụ tập gây rối trật tự trị an; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những hành vi lợi dụng bầu cử để tổ chức hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ, gây sức ép, lôi kéo người dân không đi bầu cử, cản trở và làm ảnh hưởng đến hoạt động bầu cử…

Tại tỉnh Quảng Trị, Công an tỉnh đã và đang triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm niêm yết danh sách ứng cử viên, danh sách cử tri, địa điểm bầu cử; đẩy mạnh đấu tranh, phản bác, vô hiệu hóa các thông tin xấu độc trên không gian mạng liên quan đến công tác bầu cử; tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, kiên quyết không để hình thành các băng, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động gây bức xúc trong dư luận; tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nơi công cộng, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Thông tin về công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội cho ngày hội lớn, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử Bộ Công an cho hay: Bộ Công an đã có những bước chuẩn bị từ sớm, rất kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước. Công tác bảo vệ Ngày bầu cử được lực lượng triển khai rộng khắp trên cả nước, với cấp độ cao nhất tại gần 85.000 khu vực bỏ phiếu, trong đó có nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Lực lượng Công an tham gia bảo vệ Ngày bầu cử không chỉ thực hiện các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, mà còn phải nắm vững và phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cử tri tham gia bầu cử, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

“Đến thời điểm này, các mặt công tác công an chuẩn bị cho bảo vệ Ngày bầu cử 23/5 đã cơ bản hoàn thành một cách toàn diện, đồng bộ, chu đáo, cụ thể, kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước”, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định.

Hơn 69 triệu cử tri khắp mọi miền đất nước đang náo nức chờ ngày được cầm trên tay lá phiếu để thực hiện quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của công dân: Trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn đại biểu tiêu biểu nhất tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn và thành công tốt đẹp là mong mỏi của cử tri cả nước, để Ngày Bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

(Theo TTXVN)