Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tới dự.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi chủ trì Phiên giải trình.
Với vai trò là quốc sách hàng đầu, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho giáo dục. Thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo, ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thành tựu chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều mặt bất cập trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, chất lượng giáo dục, về vấn đề quản lý giáo dục, chất lượng giáo viên, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cơ chế đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho giáo dục…
Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi nêu rõ, Phiên giải trình nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này của Chính phủ; công tác chỉ đạo và thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông của các bộ, ngành và của UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới.
Tại Phiên giải trình, 4 nội dung quan trọng về: đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; cơ sở vật chất, tài chính cho giáo dục mầm non; kế hoạch và kết quả thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và chương trình sách giáo khoa phổ thông đã được đại diện Chính phủ và các ĐBQH tập trung làm rõ. Theo báo cáo của Bộ GD- ĐT, toàn ngành giáo dục mầm non hiện có 345.558 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên mầm non hiện nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nhiều, một bộ phận chưa đạt chuẩn nghề nghiệp. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, huy động trẻ mầm non đến trường ở 1 số địa phương còn nhiều khó khăn do thiếu giáo viên và trường lớp. Thu nhập của giáo viên mầm non ngoài biên chế nhìn chung còn thấp, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Về giáo dục phổ thông, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém như: chương trình, sách giáo khoa chưa phát huy được hiệu quả của chuẩn kiến thức, kỹ năng trong việc biên soạn, chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá đầy đủ ngay từ đầu; kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa; phương thức đánh giá kết quả giáo dục chưa được triển khai đổi mới một cách đồng bộ và chưa bảo đảm độ tin cậy cần thiết; chất lượng giáo dục đại trà còn thấp, kiến thức xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống của học sinh còn kém…
Trả lời chất vấn của các vị ĐBQH về những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định, đổi mới công tác quản lý đối với giáo dục phổ thông được coi là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, công tác chỉ đạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các địa phương cũng cần được tăng cường. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát, đánh giá chương trình, sách giáo khoa, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của những nhà khoa học và nhà giáo để điều chỉnh những nội dung cần thiết. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và từng bước nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS…
Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực mầm non cơ bản đã đáp ứng được kịp thời các nội dung đặt ra của thực tiễn. Phó chủ tịch QH cũng nhận định, các vấn đề được các ĐBQH đặt ra cũng như giải trình của ngành giáo dục đã làm rõ hiện trạng cùng nguyên nhân của những mặt tồn tại, hạn chế của giáo dục mầm non và việc bảo đảm chất lượng của giáo dục phổ thông hiện nay.
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ GD- ĐT cần khắc phục sớm và kiên quyết những tồn tại, hạn chế trên. Trong đó, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương vì sự nghiệp giáo dục là của toàn dân, không của riêng ngành giáo dục. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu, ngành giáo dục trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng các văn bản pháp quy liên quan đến giáo dục phổ thông và xây dựng chương trình sách giáo khoa. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý trong bậc học phổ thông; tăng cường công tác kiểm tra, công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Liên quan đến việc đánh giá chất lượng học sinh, Phó chủ tịch QH đề nghị ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến vùng khó khăn; không cào bằng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục mặt bằng chung, có đặc thù cho từng vùng cụ thể. Đồng thời, đẩy mạnh trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác định hướng, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý; coi trọng khảo thí, kiểm định chất lượng; tăng cường sự phối hợp giữa Bộ GD -ĐT và các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non.
Thay mặt cho UBTVQH, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tiếp thu ý kiến kiến nghị của các đại biểu đối với hoạt động của QH liên quan đến công tác giáo dục mầm non, xây dựng sách giáo khoa và chất lượng sách giáo khoa của Việt Nam, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên...