Ủy ban Pháp luật Quốc hội khảo sát việc thực hiện pháp luật về quản lý hộ tịch tại Cần Thơ

15/12/2012

Ngày 12/ 12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ và các sở ngành chức năng về thực hiện pháp luật về quản lý hộ tịch trên địa bàn Thành phố. Mục đích làm việc của đoàn nhằm thu thập thông tin, đánh giá tình hình thực tế công tác này tại địa phương, thu thập kiến nghị bổ sung chuẩn bị cho thẩm tra, chỉnh lý dự án Luật hộ tịch.

Trong thời gian qua, UBND TP Cần Thơ thường xuyên ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý hành chính tư pháp nói chung và công tác đăng ký quản lý hộ tịch nói riêng trên địa bàn. Nhờ đó, công tác quản lý hộ tịch ở cả ba cấp Thành phố, quận huyện, phường xã nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ giao dịch hành chính về hộ tịch phục vụ công dân, góp phần tích cực vào việc hoạch định chính sách và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Phần lớn công chức làm công tác hộ tịch được bố trí phù hợp đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là công chức cấp phường xã. Công chức cấp xã hiện không thiếu và đã được đào tạo chuyên môn.

 Tuy văn bản pháp luật về quản lý hộ tịch khá đầy đủ nhưng một số nội dung quy định chưa rõ ràng gây nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến mỗi nơi ứng dụng một cách dẫn đến kết quả không thống nhất. Việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại một số nơi còn theo phương thức thủ công chưa đáp ứng được chủ trương tin học hóa và hiện đại hóa nền hành chính đã gây mất nhiều thời gian, lưu trữ rườm rà, khó bảo quản, đặc biệt trong khâu trích lục giấy tờ hồ sơ, tra cứu thông tin về hộ tịch theo yêu cầu của tổ chức công dân.

 Trên cơ sở thực tiễn tại địa phương, TP Cần Thơ kiến nghị: Luật Hộ tịch cần cải tiến theo hướng tập trung việc đăng ký hộ tịch vào 2 cấp quận -huyện và phường -xã để cấp tỉnh- thành phố tập trung vào chức năng quản lý nhà nước. Để đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng công tác hộ tịch, Luật Hộ tịch cần quy định chức danh Hộ tịch viên (kèm theo các quy định về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và trách nhiệm đi đôi với các quyền lợi, chế độ chính sách được thụ hưởng) nhằm làm cơ sở tách công tác hộ tịch ra khỏi công tác tư pháp theo hướng chuyên môn hóa quản lý công tác hộ tịch giúp cho các địa phương làm tốt hơn công tác này so với hiện tại.

 Cần tiến tới tin học hóa công tác quản lý hộ tịch , xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, xem đây là nhu cầu phát triển tất yếu để hướng tới Luật hộ tịch cần quy định việc xây dựng mã số cá nhân cấp cho mỗi công dân từ lúc họ đăng ký khai sinh sử dụng cho đến lúc họ qua đời và thống nhất giao cho Bộ Tư pháp quản lý.

 

(http://daibieunhandan.vn/)