Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) nêu một loạt các vấn đề về hàng tồn kho, ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, sụt giảm còn có nhiều nguyên nhân như yếu kém trong khâu quy hoạch, quản lý, dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm, lãng phí trong đầu tư đẩy giá thành lên cao không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong vấn đề này như thế nào và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiêp.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Hàng tồn kho là một trong những vấn đề cấp thiết cần được các cấp các ngành quan tâm, nhưng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo sát sao thì tình hình giải quyết hàng tồn kho có triển biến. Từ 1/6/2012, chỉ số hàng tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo là 26% , đến 1/10/2012 giảm xuống còn 20%, nếu so với thời điểm 1/10/2011 và 2010 thì hàng tồn kho thấp hơn. Hiện nay, hàng tồn kho lớn tập trung vào vật liệu xây dựng sắt thép, chủng loại phân bón, than đá...
Riêng đối với than đá tồn kho lớn, ngành than đã tập trung nhiều giải pháp trong đó điều chỉnh giá than theo cơ chế thị trường và với tình hình này hy vọng cuối năm tồn kho của ngành than trở lại bình thường. Còn đối với thép thì hàng tồn kho khá cao do có việc công suất nhà máy thép dư thừa so với trước và sản lượng thép nhập ngoại cũng tăng do giá rẻ. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp như tiếp tục cấp giấy phép tự động để điều hành linh hoạt và khống chế lượng nhập khẩu.
Ngoài ra, cùng với ngành xây dựng, giao thông vận tải đẩy nhanh dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư công để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện được những điều này, hy vọng sản lượng thép cũng như các nhóm mặt hàng khác sẽ bình thường trở lại. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, Bộ trưởng thừa nhận vấn đề quy hoạch có bất cập, những lĩnh vực khác cũng tương tự, đây là điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước, trong công tác kiểm tra. Tiếp theo là vấn đề dự báo còn hạn chế, nhất là việc khuyến cáo cho doanh nghiệp, nếu thấy tình hình dư thừa thì phải cảnh báo để doanh nghiệp chủ động trong sản xuất.
Chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường là câu chuyện được đặc biệt quan tâm thời gian gần đây khi liên tiếp có những vụ hàng giả, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường, không có chuyển biến mà gia tăng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Kim Bé (Kiên Giang), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận dù có nhiều cố gắng, việc quản lý hiện vẫn còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa chặt chẽ, việc xử lý hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe nên vi phạm vẫn tái diễn và điều kiện lực lượng, công cụ của chúng ta hiện nay còn thiếu và còn yếu, đây chính là hạn chế và là hướng thời gian tới bộ sẽ khắc phục vấn đề này. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan như tiêu thụ, quy phạm chất lượng sản phẩm, xử phạt hành vi vi phạm, nâng cao đạo đức cán bộ quản lý, giáo dục cộng đồng hiểu quản lý góp phần cho lực lượng chức năng quản lý tốt hơn.
Đề cập tình trạng kinh doanh xăng dầu hiện chưa có thị trường cạnh tranh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã tạo điều kiện cho thị trường cạnh tranh xăng dầu, còn làm như thế nào thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần có biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực. Tiếp lời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam đã tham gia công ước Kyoto thì việc tạm nhập tái xuất xăng dầu là không trái quy định, đó là cần thiết nhưng nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách này vì khi tạm nhập chưa nộp thuế nên chiếm dụng thuế của Nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ quản lý chặt chẽ mặt hàng này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết thêm tình hình nhập siêu trong năm 2012 giảm xuống còn 1% so với kim ngạch xuất khẩu, dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập siêu vẫn là vấn đề rất bức xúc cần phải có lộ trình và cần được tính toán cụ thể.
Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất về xuất khẩu gạo, khả năng Việt Nam xuất khẩu được 7,5-7,6 triệu tấn gạo, tuy nhiên như đại biểu nói, giá cả còn thấp trong tương quan so sánh với một số nước trong đó chủng loại gạo xuất khẩu gạo chưa cao, vấn đề điều hành thu mua còn hạn chế, trong đó có thị trường mới nên tạo sức ép cung - cầu cho gạo Việt Nam.
Đáng chú ý là vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, hiện Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giống gạo mà không nên chạy theo gạo chất lượng cao nhưng năng suất thấp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ lúa gạo, từng bước tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam...
Trả lời rõ thêm về trách nhiệm trong việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Xây dựng thương hiệu là vấn đề lớn, thời gian qua Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo về vấn đề này, thực chất xây dựng thương hiệu là nâng cao chất lượng và duy trì sự ổn định của chất lượng hàng hóa.
Để làm việc này, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung vào 4 khâu: Một là chọn tạo và phổ biến cho nông dân các giống có chất lượng cao hơn, năng suất cao hơn. Tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn để có sản phẩm hàng hóa lớn và đồng đều với giá thành rẻ hơn. Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng kho dự trữ, bảo quản đảm bảo chất lượng hơn và cuối cùng là xúc tiến thương mại.
Đáng chú ý, nội dung chất vấn nhận được nhiều sự quan tâm là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thái Học, tỉnh Phú Yên về đời sống người dân tại các vùng di dân tái định cư gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao từ 50-60%, thậm chí có nơi đến 80%.
Về vấn đề này tại các kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải có chính sách tạo đột phá để giải quyết khó khăn này, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đoàn công tác nhưng tình hình chưa được cải thiện, người dân vẫn đang chờ đợi chính sách để tạo đột phá.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ: Đối với đồng bào tái định cư thủy điện cần phải có cơ chế đặc thù và trong dự án thủy điện có di dân tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng để lấy mặt bằng cho công trình thì phải có hợp phần riêng về di dân tái định cư, Chính phủ giao cho địa phương thực hiện vì địa phương là người hiểu rõ và nắm chắc tình hình. Quyết định này phù hợp với lòng dân, đời sống bà con vùng dự án đã từng bước được khắc phục. Ngoài ra, cơ chế đối với hộ dân có 30% đất bị thu hồi có thể xem xét đưa vào đối tượng di dân cũng được thực hiện tại một số dự án thủy điện Bản Vẽ, Sông Tranh 2…
Tiếp theo là vấn đề giải quyết việc làm cho bà con phải phù hợp với dân trí và điều kiện của bà con, đối với thủy điện quy mô lớn đã có dự án khuyến công, khuyến nông để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Đặc biệt phải chú ý công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hợp phần di dân, tái định cư rất quan trọng để phát hiện sai sót chủ đầu tư, giải quyết yêu cầu chính đáng của bà con.
Chưa hài lòng về câu trả lời trên , đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) chất vấn thêm, đấy là đối với các dự án thủy điện mới, còn các dự án thủy điện cũ, đã hoàn thành thì người dân vẫn còn đang gặp khó khăn, vấn đề này được giải quyết thế nào. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét tình hình thực tế, qua đó báo cáo đề xuất với Quốc hội xây dựng chính sách đặc thù hơn giải quyết khó khăn cho đồng bào./.