Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, Nghị quyết 417/2003/NQ- UBTVQH ngày 01/10/2003 của UBTVQH về chức năng, nhiệm vụ, quyền hành và cơ cấu tổ chức của VPQH đã được ban hành và phát huy hiệu quả. Qua các nhiệm kỳ QH (Khóa XI, XII và Khóa XIII), Nghị quyết 417 đã đánh dấu cơ sở pháp lý quan trọng cho mô hình tổ chức, mối quan hệ làm việc giữa VPQH và HĐDT, các Ủy ban của QH, các cơ quan thuộc UBTVQH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với nhiều thay đổi trong thực tiễn và pháp lý nên việc tổng kết nội dung này là việc làm cần thiết, từ đó, nêu ra những vấn đề không còn phù hợp cả về lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp.
Hội thảo đã tập trung thảo luận và làm rõ các chuyên đề lớn: nguyên tắc, cách thức tổ chức bộ máy giúp việc của QH Việt Nam; mô hình tổ chức bộ máy giúp việc của QH; mô hình tổ chức bộ phận giúp việc các ủy ban của QH; mối quan hệ phối hợp công tác giữa VPQH với các cơ quan của QH, cơ quan của UBTVQH; cách thức tổ chức giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH; vấn đề liên quan đến công chức của cơ quan giúp việc của QH như xây dựng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ, công chức VPQH Việt Nam.
Hiện nay, VPQH được tổ chức thành 3 khối đơn vị: khối phục vụ HĐDT và các Ủy ban của QH, khối phục vụ các Ban của UBTVQH, và khối phục vụ chung. Trong văn phòng có đơn vị cấp Tổng cục, cấp vụ, cấp phòng, có đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp. Bên cạnh Văn phòng lại có Viện Nghiên cứu thuộc UBTVQH. Như vậy, mô hình cơ quan giúp việc của chúng ta là một mô hình khá đặc thù, còn nhiều điểm bất hợp lý cần được sửa đổi...
Đóng góp ý kiến vào mô hình tổ chức các cơ quan giúp việc của QH, có ý kiến cho rằng Bộ máy giúp việc của QH phải bảo đảm 9 nguyên tắc căn bản: VPQH là cơ quan trợ giúp, phục vụ QH; cơ quan giúp việc của QH phải có địa vị pháp lý tương xứng, làm cơ sở cho việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà cơ quan này đảm nhiệm; việc xây dựng hệ thống các đơn vị thuộc bộ máy giúp việc cần kết hợp giữa đối tượng được trợ giúp và mảng công việc trợ giúp, trong đó chú trọng hơn đến mảng công việc trợ giúp QH; việc tổ chức bộ máy giúp việc cần phải tiến hành tập trung, tránh chồng chéo, phân tán; cơ cấu tổ chức bộ máy phải tinh gọn, dễ quản lý; phải bảo đảm sự cân đối giữa tỷ lệ công chức làm nghiên cứu tham mưu và công chức, viên chức phục vụ; xây dựng bộ máy giúp việc phải chú ý bảo đảm tính liên thông trong công việc; xây dựng mô hình tổ chức bộ máy giúp việc QH cần lấy ĐBQH làm trung tâm; xây dựng chế độ tuyển dụng và đãi ngộ phù hợp với đặc thù của công chức QH.
Hội thảo là cơ hội để các ĐBQH, lãnh đạo VPQH, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các cán bộ làm công tác thực tiễn thảo luận, trao đổi về những nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức bộ máy giúp việc QH; đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động của VPQH Việt Nam thời gian qua và kiến nghị những giải pháp đổi mới, cải tiến trong thời gian tới.