HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT DỰ THẢO QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

22/02/2021

Thực hiện Phiên họp thứ 53, chiều 22/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về Quy chế quản lý khoa học với đặc thù và yêu cầu về quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp; tiêu chí Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ.

Theo các đại biểu, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã gửi dự thảo này đến nhiều cơ quan  khác, trong đó có Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét. Về cơ bản, các cơ quan của Quốc hội nhất trí với dự thảo Quy chế.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp

Tại phiên họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển trình bày về việc xây dựng dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH và VPQH.

Cho rằng cơ cấu bên trong của Quốc hội, các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội không có gì thay đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất với việc ban hành quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Cơ cấu của đại biểu Quốc hội đã có nên nhiệm vụ của Quốc hội là rà soạt lại cấp Phó Thường trực chuyên trách và đẩy mạnh hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp để phục vụ cho hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất với việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước và sự phối hợp giữa Viện Nghiên cứu lập pháp với các cơ quan khác vẫn còn song trùng nên cần xem xét, rà soát lại. 

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho rằng Viện Nghiên cứu lập pháp ra đời với chức năng là nghiên cứu khoa học, luật pháp; giúp các cơ quan của Quốc hội thực hiện thẩm tra các luật. Tuy nhiên, kết quả thực hiện của Viện chưa đạt được nhiều...

Liên quan đến tiêu chuẩn, chủ nhiệm đề tài về tiêu chuẩn cá nhân là chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu quan điểm: Quy chế này thực tế là thực hiện cụ thể hóa Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc những tiêu chí Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ liệu có quá khắt khe quá hay không?

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá: Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887-NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã gửi dự thảo này đến nhiều cơ quan  khác, trong đó có Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét. Về cơ bản, các cơ quan của Quốc hội nhất trí với dự thảo Quy chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp cần phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật rà soát kỹ lại văn bản quy chế này để trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành./.

Minh Hùng

Các bài viết khác