Ủy ban Tư pháp Hội thảo hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

31/08/2012

Ngày 30 – 31.8, tại Quảng Ninh, Ủy ban Tư pháp tổ chức Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (ban hành năm 2005). Theo đó, việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, đặc biệt là việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn hình thức; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khó thực hiện. Trong khi đó, nhiều chủ trương quan trọng của Đảng còn chưa được thể chế hóa trong Luật Phòng, chống tham nhũng như: mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập; giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm, các biện pháp áp dụng đối với người có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu nhất trí cho rằng việc QH xem xét sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng ngay tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới là cần thiết. Tuy nhiên sửa đổi theo phương pháp nào và cách thức sửa đổi ra sao là vấn đề cần bàn một cách thấu đáo.

 

Nhiều đại biểu cho rằng, phương pháp tiếp cận sửa đổi Luật lần này cần xác định: nội dung của Luật chủ yếu là ngăn ngừa, ngăn chặn và đặt việc sửa đổi Luật trong tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng dựa trên các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và kiểm soát xung đột lợi ích đối với các cơ quan nhà nước. Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện tham nhũng thông qua việc xác định rõ trách nhiệm và cơ chế điều phối giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Về cách thức sửa đổi, cần tiếp tục quy định rõ việc cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình trước nhân dân về quyết định, hành vi của mình; cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm giải trình trước người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Một số đại biểu đề nghị lần sửa đổi Luật này cần tăng cường phòng ngừa các hành vi tham nhũng, song biện pháp phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, mang lại hiệu quả cao, giúp giảm hành vi tham nhũng. Cách thức sửa đổi Luật lần này cần tập trung vào 3 nội dung là: bổ sung quy định về giám sát cộng đồng (giám sát của nhân dân) đối với hành vi tham nhũng; đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng xóa bỏ cơ chế xin – cho, một trong những nguyên nhân phát sinh hành vi tham nhũng, và tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác